Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

10 sự thực về trải nghiệm khi chinh phục "Nóc nhà của thế giới": Siêu tốn kém, chuẩn bị không kỹ thì chỉ bỏ mạng



Kể từ khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay chinh phục được đỉnh Everest vào năm 1953, đã có khoảng 5000 người làm được điều này. Nhưng trong một diễn biến khác, cũng có 306 người ôm giấc mơ nằm lại trên đỉnh núi tuyết, và 11 trong số đó xảy ra ngay trong vài tuần gần đây.


Đỉnh Everest cao hơn mực nước biển đến hơn 8,8km, nằm ở vị trí được mệnh danh là "Nóc nhà của thế giới". Vậy nên chinh phục được độ cao này hẳn phải là một hành trình cực kỳ khó khăn và đầy rủi ro, có thể khiến bạn mất mạng bất kỳ lúc nào.


Tuy nhiên, quá trình leo núi có thể không giống như bạn tưởng tượng. Đây không phải là ngọn núi bạn muốn đến là đến, thích đi là đi. Mọi thứ cần tuân theo quy định nghiêm ngặt, nếu không số người nằm lại đây chắc chắn phải lớn hơn con số 300 rất nhiều.


1. Leo Everest không hề rẻ
Như đã nêu, Everest không phải ngọn núi muốn đến là đến được. Thông thường, một người sẽ phải tốn khoảng $25.000 - $65.000. Số tiền này dùng để thuê một đội Sherpa (dân tộc bản địa) đi dẫn đường và mang giúp trang thiết bị, chi phí cho thực phẩm, trang thiết bị và giấy phép leo núi.





Thậm chí, có công ty còn đưa ra dịch vụ hạng VVIP với mức giá lên tới $130.000/người. Dịch vụ bao gồm bữa tối và một đêm ở khách sạn 5 sao, có nhiếp ảnh riêng đi cùng, thậm chí có dịch vụ trực thăng riêng.


Ngay cả khi không muốn sử dụng các dịch vụ này, bạn cũng sẽ mất ít nhất là $11.000 để có giấy phép leo núi do chính phủ Nepal cung cấp.


2. Một hành trình nhiều rủi ro, nhưng không phải nguy hiểm nhất
Leo Everest là một trải nghiệm có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trên ngọn núi này chỉ rơi vào khoảng 4% (số liệu năm 2012). Để đưa ra so sánh, tỷ lệ này chỉ bằng 1/8 so với con số 32% trên cung đường leo núi Annapurna I - ngọn núi cao thứ 10 thế giới.



Núi Annapurna I được xem là nơi nguy hiểm nhất thế giới với người leo núi

3. Hành trình chuẩn bị nghiêm ngặt
Trước khi bắt đầu hành trình chinh phục "Nóc nhà thế giới", người leo núi sẽ phải mất từ 1 - 2 tháng tại khu Trại chính (Base Camp).



Hình ảnh tại Trại chính ở độ cao 5.500m

Bản thân khu trại này cũng nằm ở độ cao khoảng 5.500m, hơn phần lớn các ngọn núi tại châu Âu. Để lên đến đây, cần phải bay từ Kathmandu đến một sân bay siêu nhỏ tên Lukla, rồi đi bộ hơn 60km nữa. Hành trình này mất khoảng 2 tuần, trong đó người leo núi thường đi qua làng Namche Bazaar để mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết.



Làng Namche Bazaar

Trong khoảng thời gian này, họ sẽ phải leo lên và xuống nhiều lần nhằm giúp cơ thể làm quen với điều kiện núi cao. Nếu đột ngột leo lên quá cao, phổi và não có thể bị phù, gây tử vong cực kỳ nhanh chóng.


Một người leo núi bình thường phải thực hiện ít nhất 3 chuyến leo núi từ khu trại, mỗi chuyến khoảng vài trăm đến 1000m với phạm vi tăng dần, trước khi thực hiện lần leo cuối cùng để chinh phục Everest.


4. Chỉ có 1 tháng đẹp nhất để leo trong năm, nên nó luôn quá tải

Không ai có thể tính toán thời điểm có khí hậu tốt để chinh phục Everest. Điều kiện "tốt" ở đây có nghĩa là không có bão tuyết, không mưa, không lốc xoáy, nhưng cũng là điều kiện cực hiếm ở vùng núi này.





Thông thường, chỉ có khí hậu tháng 5 là đủ điều kiện để leo núi mà thôi. Bởi vậy mà khi du lịch phát triển những năm gần đây, ngọn núi thường xuyên bị quá tải vào giai đoạn này, dẫn đến rủi ro tử vong tăng cao.


Chính phủ Nepal cũng đặt ra một giới hạn những người được cấp phép để leo núi, nhưng dường như vẫn là quá nhiều. Năm nay (tức 2019), 381 người là kỷ lục số người được cấp phép leo núi, và bởi vậy đã gây tranh cãi lớn cho dư luận.


5. Có nhiều con đường leo Everest
Con đường truyền thống để leo Everest là đi từ phía Nam Nepal. Nhưng vẫn còn những con đường khác, như từ phía cao nguyên Tây Tạng phía Bắc - được đánh giá là không quá đông đúc.



Khu trại phía Bắc

Tuy vậy, đường leo phía Nam được đánh giá là "đỡ khó" hơn so với cung đường phía Bắc, dù cả 2 đều là hành trình dài, chậm và trong điều kiện oxy loãng kinh khủng.


6. Kỷ lục leo núi thuộc về người bản địa là có lý do
Kami Rita Sherpa đã leo Everest đến 25 lần, và hiện đang nắm một kỷ lục: Ông đã chinh phục ngọn núi này 2 lần chỉ trong vòng 7 ngày. Và ông là người thuộc tộc Sherpa của Nepal.


Trên thực tế, những người leo Everest giỏi nhất cũng chính là những người bản địa tại Nepal và Tây Tạng, vì cơ thể sở hữu một bộ gene đặc biệt cho phép họ phản ứng khác với người thường lúc leo núi.



Kami Rita Sherpa - người đàn ông lập kỷ lục leo Everest 2 lần trong 7 ngày

Càng lên cao, nồng độ oxy sẽ càng loãng. Với người thường khi chạm đến một độ cao nhất định, cơ thể sẽ sản sinh nhiều hemoglobin hơn. Đây vốn là protein chịu trách nhiệm mang hồng cầu chứa oxy từ phổi đến khắp nơi, nhưng với nồng độ quá nhiều sẽ khiến tim khó bơm máu hơn, dẫn đến hiện tượng say độ cao và cả trụy tim.


Còn cơ thể của người Sherpa thì vẫn rất bình thường dù có phải leo cao. Đó là nhờ gene tên EPAS1, cho phép máu của họ đặc hơn người thường.


7. Nhiều người phải mang cả oxy dự trữ khi leo núi
Tất cả để đảm bảo an toàn thôi. Tuy nhiên, có một số người không cần làm như vậy, như Reinhold Messner và Peter Habeler vào tháng 5/1978.





8. Bạn sẽ không thể hạ trại tùy tiện trên Everest
Mọi thứ đều được quy định sẵn. Từ Trại chính ở độ cao 5,5km, bạn sẽ phải đến Thác băng Khumbu ở độ cao 5,9km mới gặp một khu trại khác, được gọi là Trại 1. Ở độ cao 6,4km sẽ có Trại 2.


Muốn đến Trại 3, bạn phải leo thêm 800m nữa, còn Trại 4 ở độ cao 7,9km. Đây cũng chính là ranh giới quan trọng, vì vượt qua mốc này bạn sẽ bước vào "vùng tử thần" - nơi có nồng độ oxy thấp đến mức nguy hiểm.



Hình ảnh ở Trại 2

Từ đây, bạn sẽ có 24h để hoàn thành cung đường chinh phục đỉnh Everest, rồi leo xuống ngay trong ngày. Đó cũng là lựa chọn của phần đông người leo núi, vì họ muốn hạn chế thời gian trong khu vực này ở mức càng thấp càng tốt.


9. Cung đường leo lên đỉnh không phải nơi đáng sợ nhất
Dù nằm trong "vùng tử thần", cung đường cuối cùng lên đỉnh Everest không phải là nơi đáng sợ nhất. Thác băng Khumbu mới là nơi nắm giữ danh hiệu này - theo kết luận của phần đông những người leo núi.


Khu vực Thác băng nằm giữa Trại chính và Trại 1, nên trong thời gian luyện tập ai cũng phải vượt qua nó. Vấn đề là ở chỗ do khí hậu ngày càng nóng lên, Thác băng này đã trở nên thiếu ổn định hơn bao giờ hết.



Thác băng - địa điểm đáng sợ nhất trên Everest

Trong giai đoạn 1953 - 2016, có 44 người đã chết tại Thác băng, chiếm 25% tổng số người chết trên toàn bộ cung đường. Các nạn nhân thiệt mạng do rơi vào các khe núi được hình thành vì băng tan ra.


10. Rất nhiều xác người vẫn còn ở trên núi
306 người đã thiệt mạng trên đỉnh Everest, nhưng hầu hết những cái xác vẫn đang nằm lại dưới lớp tuyết lạnh giá. Không ai mang họ xuống, đơn giản là vì việc đó rất nguy hiểm và cực kỳ tốn kém.





Chi phí để vận chuyển một cái xác thường lên tới cả chục ngàn dollar - trường hợp cao nhất được ghi nhận là $70.000. Đây là một con số có thể xem là tương xứng với mức nguy hiểm của công việc này, vì ngay cả người bản địa cũng phải bỏ mạng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét