Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Nếu Vingroup bắt tay cùng Grab cũng là điều không khó hiểu khi Grab hiện sở hữu mạng lưới đối tác tài xế đông nhất hiện nay. Việc kết hợp với 1 nền tảng có sẵn sẽ giúp Vinmart nhanh chóng giải được bài toán giao hàng mà lại không tiêu tốn quá nhiều chi phí khi mở rộng hệ thống logistics của riêng mình.



Vingroup bắt tay Grab?


12.30 trưa tại siêu thị Vinmart nằm trên đường Vũ Trọng Phụng, một tài xế Grab đang đứng tại quầy thanh toán Scan & Go của chuỗi siêu thị này. Anh tài xế vừa nhận đơn hàng đặt online từ nhân viên siêu thị để giao một vài món đồ thực phẩm cho khách hàng. Hình ảnh tài xế áo xanh đứng bên quầy thanh toán của Vinmart khiến người ta dễ dàng liên tưởng tới sự liên kết giữa Vingroup và Grab trong khâu giao hàng.


Còn nhớ ngày 23/5, Vingroup công bố siêu thị ảo (Virtual Store) chính thức đi vào hoạt động. "VinMart 4.0" mô phỏng hơn 100 nhóm sản phẩm chọn lọc bằng hình ảnh trên những tấm áp-phich khổ lớn, các sản phẩm, thương hiệu được sắp xếp, bài trí màu sắc bắt mắt tương tự như quầy hàng thực tế trong siêu thị.


Khách mua hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan & Go sau đó quét mã QR các sản phẩm muốn mua tại "VinMart 4.0" và thanh toán ngay bằng ứng dụng VinID. Chuỗi siêu thị này cam kết sẽ giao hàng tận tay người mua chỉ sau 2 - 4 giờ đồng hồ.


Siêu thị "ảo" sẽ được đặt tại các khu vực mật độ dân cư cao, đông người qua lại như khu tập thể, toà nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe buýt. Cùng với việc đẩy mạnh VinMart 4.0, Vingroup cũng mạnh tay thu hút người dùng cài đặt VinID bằng cách tung ra hàng ngàn voucher giảm giá.


Bên cạnh những voucher về giảm giá các cửa hàng F&B như Soya Garden, The Gemini,.. hay các chuỗi spa, cửa hàng thời trang như Canifa, điều khá bất ngờ là VinID cũng tặng khuyến mãi khủng từ Grab.


Theo đó, khi đơn hàng từ tính năng Scan & Go từ 300 nghìn đồng, Vinmart tặng lại 100 nghìn voucher VinID và 100 nghìn voucher cho Grab Food và Grab Express.





Gia tăng sức mạnh

Việc liên kết giữa những doanh nghiệp lớn vốn là chiến lược phổ biến trong kinh doanh để cùng đạt mục tiêu chung. Theo đó các doanh nghiệp sẽ kết hợp một số nguồn lực và khả năng lại với nhau để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Liên minh chiến lược có thể bao gồm nhiều doanh nghiệp với các mức độ trao đổi và chia sẻ các nguồn lực khác nhau, để cùng phát triển hoặc phân phối hàng hóa và dịch vụ.


Mô hình chiến lược cho phép các doanh nghiệp khuếch đại các nguồn lực và năng lực hiện có khi hợp tác với các đối tác khác. Đồng thời phát triển các nguồn lực và năng lực được bổ sung thêm để tạo ra nền tảng hình thành các lợi thế cạnh tranh mới.


Xét từ những góc độ này, nếu Vingroup bắt tay cùng Grab cũng là điều không khó hiểu khi Grab hiện sở hữu mạng lưới đối tác tài xế đông nhất hiện nay. Việc kết hợp với 1 nền tảng có sẵn sẽ giúp Vinmart nhanh chóng giải được bài toán cam kết về thời gian giao hàng nhưng không phát sinh quá lớn chi phí để mở rộng hệ thống logistics của riêng mình.


Về phía Grab khi hợp tác thành công với Vingroup cũng dễ dàng mở rộng thêm được tập khách hàng mới hướng tới B2B. Trước đây, mảng giao hàng của Grab chủ yếu hướng tới đối tượng khách hàng nhỏ lẻ là các cửa hàng F&B cá nhân.





Thực tế hiện nay các đơn hàng Scan & Go vẫn đang được hỗ trợ bởi hệ thống logistics của nền tảng thương mại điện tử Adayroi với mức phí 25 nghìn đồng. Tuy nhiên theo chia sẻ của một nhân viên giao hàng, tại những khu vực không có nhân viên của Adayroi các siêu thị sẽ chủ động đặt Grab để giao sản phẩm cho khách hàng.


Theo ông Trần Trọng Tuyến- giám đốc CTCP công nghệ Sapo đồng thời là Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), thông thường khi các ví điện tử khác hoạt động độc lập sẽ phải đầu tư và chi rất nhiều tiền vào các hoạt động quảng cáo tiếp thị để thu hút thêm người dùng mới và giữ chân họ. Người dùng của những ví điện tử này ít có lý do để duy trì các ứng dụng ví đó ngoại trừ tranh thủ các cơ hội khuyến mại, trong khi hiện nay đây là cuộc đua tốn kém giữa các bên khác. Vì vậy có thể dự đoán được chi phí tính trên đầu mỗi người dùng hoạt động sẽ rất cao.


Trái lại, 2 ông lớn ứng dụng lớn như VinID và Grab với hệ sinh thái đa dạng của mình, họ đã sở hữu một tập người dùng khổng lồ với tỷ lệ ‘active’ cao. Tập người dùng này có nhiều lý do để sử dụng ứng dụng thường xuyên, điều đó tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn cho sự hợp tác này.



Ông Trần Trọng Tuyến- giám đốc CTCP Công nghệ Sapo đồng thời là Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom)

"Mặc dù chưa thể khẳng định sự hợp tác này sẽ dẫn đầu thị trường TMĐT nhưng khả năng nằm trong Top 3 các đơn vị chi phối thị trường trong vòng 3-5 năm tới thì hoàn toàn có thể. Nguyên nhân là bởi họ là những đơn vị có nguồn lực mạnh, chịu chi, cũng như hệ sinh thái mạnh", ông Tuyến nhận định.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét