Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Khi tỉnh dậy vào sáng ngày hôm sau, Trương Hiếu Liêm có cảm giác những gì xảy ra tối qua như một giấc mơ và ngay sau đó, điều kỳ diệu đã xuất hiện.




Người khách thần bí


Một buổi tối, một ông cụ thần bí, phong thái hơn người bước vào cửa lớn của Trương phủ.


Chủ nhân của phủ này là Trương Hiếu Liêm. Gần đây gia đình đột nhiên gặp phải biến cố khiến người này vô cùng đau khổ, luôn cảm thấy cuộc sống nhạt nhẽo, sau này trở thành kẻ điên điên khùng khùng.


Trạng thái tinh thần của Hiếu Liêm lúc tốt lúc xấu, lúc lên cơn thì thần trí ngơ ngẩn, chỉ trời chỏ đất. Người nhà đã mời rất nhiều đại phu đến xem bệnh, cũng uống không ít thuốc nhưng bệnh tình không thuyên giảm.


Ông cụ kia tự mình đi thẳng vào phòng của Trương Hiếu Liêm. Họ Trương đang ngơ ngẩn thì thấy ông bước đến trước mặt, giơ tay lên, phẩy một cái khiến Hiếu Liêm lập tức tỉnh táo trở lại.


Ông lão nói: "Tiên sinh định điên khùng như vậy cả đời sao? Ở đây có 9 hòm gương. Chỉ cần ngài mở tất cả ra thì có thể xua tan mọi phiền não."


Hiếu Liêm vừa thấp thỏm nghĩ: "Rốt cuộc trong chiếc hòm gương có gì? Tại sao nó có thể chúng có thể xua tan phiền não cho mình?" vừa run rẩy từ từ đưa tay về phía chiếc hòm gương.


Hòm gương thứ nhất: Kỷ Hiểu Lam


Cuối cùng Trương Hiếu Liêm lấy hết can đảm mở hòm gương thứ nhất. Bên trong có một tấm gương đồng tinh vi, nhã nhặn.


Y vừa nhìn vào thì trong gương xuất hiện bóng hình một thư sinh khí chất phi phàm. Hiếu Liêm bồn chồn ngẩng đầu nhìn ông cụ.


Ông nói: "Đó chính là một kiếp trước của tiên sinh, Kỷ Hiểu Lam."





Khi họ Trương cúi đầu nhìn xuống, mặt gương như chiếu đèn, hiện lên chớp nhoáng những hình ảnh về cuộc đời vẻ vang của Kỷ Hiểu Lam.


Kỷ Hiểu Lam sinh năm 1724 (năm Ung Chính thứ 2). Thời Càn Long, ông từng 2 lần đảm nhiệm chức Ngự sử, 3 lần là Thượng thư Bộ Lễ và làm Thượng thư Bộ Binh một thời gian ngắn.


Tuy là quan lớn nhưng Kỷ Hiểu Lam cũng không quên sáng tác văn học. Ông đã để lại rất nhiều tác phẩm văn học, còn từng đảm nhiệm chức Tổng chủ biên "Tứ khố toàn thư".


Kỷ Hiểu Lam còn được tôn là đệ thất tài tử đời Thanh, bậc thầy học thuật một thời. Cuối cùng ông đã qua đời khi đang đảm nhiệm chức Đại học sĩ Nội các năm 1805.


Trương Hiếu Liêm càng xem càng thấy vui, thầm nghĩ: "Chà! Không ngờ kiếp trước, ta lại là nhân vật lớn có ảnh hưởng như vậy."


Ông cụ nói: "Xem xong thì đóng nắp hòm lại, mở tiếp chiếc thứ 2."


Nghe ông giục, họ Trương lại mở chiếc hòm thứ 2.


Hòm gương thứ 2: Tri huyện Lô Khê


Gương đồng hiện lên hình ảnh một tri huyện, huyện Lô Khê, tỉnh Hồ Nam.


Ông cụ nói: "Đây là một kiếp tiếp theo khác của tiên sinh."


Xem ra kiếp này không được vẻ vang bằng kiếp trước. Vài hình ảnh đơn giản qua nhanh. Trương Hiếu Liêm không mấy quan tâm đóng nắp hòm lại.


Hòm gương thứ 3: Kỹ nữ nổi tiếng ở kinh thành





Chiếc gương đồng này hiện lên hình ảnh một cô nương xinh đẹp. Họ Trương ngờ ngợ ngẩng đầu lên nhìn ông cụ tóc bạc trắng.

Ông nói: "Không cần nghi hoặc. Đây đúng là kiếp tiếp sau nữa của tiên sinh, là một kỹ nữ nổi tiếng ở kinh thành."


Trương Hiếu Liêm thầm nghĩ: "Sao càng sống càng tệ đi thế này?"


Tại sao từ tri huyện lại biến thành kỹ nữ nổi tiếng? Chắc hẳn ông ta cũng hiểu được vài phần. Người xưa nói: "Thân ở cửa quan cần tu hành".


Nếu là một quan thanh liêm, làm nhiều việc tốt, tạo phúc cho dân, đem lại lợi ích cho nhiều người, hành thiện như vậy thì sẽ tích đức, sẽ tích được rất nhiều phúc cho kiếp sau.


Nhưng ngược lại, nếu là một tên tham quan ô lại, làm những việc xấu, làm hại nhiều người, tạo nên ác nghiệp thì kiếp sau bắt buộc phải trả nghiệp, không ai thoát được.


Hiếu Liêm đoán chừng kiếp làm tri huyện Lô Khê có thể mình đã gây nên ác nghiệp nên mới ra nông nỗi này. Kỹ nữ đó say sưa men rượu, ngày đêm ca hát trong kỹ viện.


Hòm gương thứ 4: Ăn mày


Mở chiếc hòm gương thứ 4, Trương Hiếu Liêm há hốc mồm kinh ngac. Chiếc gương đồng hiện lên hình ảnh người ăn mày ăn mặc rách rưới đang xin ăn.


Hiếu Liêm than: "Sao lại thê thảm thế này? Thật sự là ăn mày sao?" Y rất muốn đóng nắp hòm lại, không muốn xem tiếp nữa.





Nhưng ông cụ tóc bạc nói: "Không được. Tiên sinh nhất định phải xem hết cảnh trong chiếc hòm gương này, không được thiếu cảnh nào."


Chủ nhân Trương phủ đành phải xem tiếp, trong lòng thầm nghĩ: "Tuy cuộc sống giống như vở kịch nhưng chuyện này cũng khó tránh khỏi quá kịch hóa.


Vừa rồi ngày nào cũng ăn mặc xinh đẹp, bận rộn tiệc rượu ở chốn phồn hoa náo nhiệt, sao phút chốc lại biến thành kẻ ăn mày lưu lạc đầu đường xó chợ, không một xu dính túi, chìa tay xin người khác miếng cơm.


Xem ra kỹ nữ nổi tiếng kia đã lừa tiền của không ít đàn ông nên mới rơi vào kết cục thê thảm như vậy."


Hòm gương thứ 5: Nhà sư tu hành khổ hạnh


Không muốn xem tiếp, Trương Hiếu Liêm nghĩ: "Đã đến mức làm ăn mày rồi, kiếp sau sẽ thê thảm đến đến mức nào nữa đây?"


Nhưng ông cụ tóc trắng lại giục, y đành phải tiếp tục mở chiếc hòm gương thứ 5. Vừa mở ra, Hiếu Liêm thở phào nhẹ nhõm: "May quá, lần này làm hòa thượng."





Ông cụ nói: "Đúng thế. May mà kiếp này tiên sinh làm hòa thượng khổ hạnh tu hành đã tiêu trừ được rất nhiều ác nghiệp cho các kiếp trước. Nếu không, kiếp này có thể tiên sinh cũng không được sống đàng hoàng như thế."


Hòm gương thứ 6: Hiếu Liêm ở huyện Hấp, tỉnh An Huy


Trương Hiếu Liêm mở chiếc hòm gương thứ 6. Hình ảnh giống như Hiếu Liêm hiện giờ. Có điều còn chưa kịp tạo nên thành tựu gì thì đã qua đời từ lúc còn rất trẻ.


Liên tục mở chiếc hòm thứ 7 và 8, hình ảnh hiện lên ở hai kiếp đều là đứa trẻ chết yểu.


Hòm gương thứ 9: Bản thân ở kiếp này


Cuối cùng thấy chỉ còn lại lại một chiếc hòm gương, Trương Hiếu Liêm mở ra thì thấy bản thân ở kiếp này.


Những chuyện trước kia hiện ra trước mắt.


Họ Trương thấy ái thê của mình 3 năm trước bất hạnh qua đời sớm, ông ta đau khổ tột cùng, đau lòng viết lại tập thơ thương tiếc vợ dày cả tấc; rồi lại thấy mình bị cha ép tái hôn để nối dõi tông đường, không ngờ rước phải hổ cái bá đạo, ngang ngược về nhà khiến cho thê thiếp bất hòa, nhà cửa rối tung cả lên, bản thân bực tức đến độ rơi vào trạng thái điên khùng.


Hình ảnh trong gương không chỉ là chuyện quá khứ của họ Trương mà còn cho y thấy được cả tương lai của chính mình.


Vừa tỉnh giấc mà như cách cả một kiếp


Trương Hiếu Liêm mở mắt thì thấy trời đã sáng, vội vàng bò từ trên giường xuống, cảm thấy những gì gặp phải tối qua giống như giấc mơ. Rốt cuộc ông cụ và 9 tấm gương có phải là sự thật không? Hay đó chỉ là một giấc mơ mà thôi?


Nhưng nếu là mơ thì sao lại rõ ràng, như thật như vậy?


Dù là mơ hay thật, Trương Hiếu Liêm đã tận mắt thấy các kiếp luân hồi chuyển thế của mình thật đến ly kỳ. Trương hiểu ra muôn vàn gian khổ đều là vì nhân quả thiện ác kiếp trước gieo.


Ông ta cũng phát hiện ra những chuyện phiền não khiến bản thân không muốn sống nữa mà mình gặp phải trước đây vốn chỉ là một chuyện nhỏ trong dòng chảy luân hồi sinh tử.


Đột nhiên, cả con người Trương Hiếu Liêm bừng tỉnh, thông tỏ mọi điều - đây chính là một điều kỳ diệu mà trước đây, dù cố gắng thế nào ông ta cũng không thoát ra khỏi trạng thái điên điên khùng khùng.


Một năm sau, Trương Hiếu Liêm tham gia thi khoa cử và đã đề danh bảng vàng, được bổ nhiệm làm tri huyện.


Năm sau nữa, Trương tri huyện lại tập hợp luyện binh, sau này chiêu mộ được hàng vạn quân tiếp ứng cho thượng, hạ du Trường Giang… hoàn toàn trùng khớp với những cảnh dự báo trong gương.


Lời bình


Câu chuyện kỳ ảo trên có thể là một tác phẩm của trí tưởng tượng song nó đã truyền tải một thông điệp rất ý nghĩa của nhà Phật, rằng con người sống trên đời, gieo nhân nào sẽ gặt quả đó, quả có thể sẽ xuất hiện ngay khi nhân được gieo hoặc có thể lâu hơn, như trong câu chuyện trên là từ kiếp trước sang đến tận kiếp sau.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét