Lẩn khuất giữa vùng rừng núi rậm rạp nước Lào có một bí ẩn hàng ngàn năm nay vẫn chưa có lời giải. Đó là Cánh đồng chum - nơi chứa đựng hàng ngàn "chiếc chum của người chết", một bí ẩn khảo cổ lâu đời được rất ít người biết đến.
Những chiếc chum đá nằm rải rác trên cao nguyên Xieng Khouang với diện tích hàng ngàn km2. Chúng có niên đại từ thời kỳ Đồ sắt, số lượng lên tới hàng ngàn, trong đó có những chiếc chum cao đến 3m.
Không ai biết những chiếc chum này do ai tạo ra, đến từ đâu và tại sao lại tồn tại. Truyền thuyết của người Lào kể rằng đây vốn là những chiếc vại uống bia của người khổng lồ. Ý kiến khác thì cho rằng đây những chiếc chum vốn là để cơ thể người chết phân hủy trong đó. Cũng từ đây, đa số các nhà khảo cổ tin vào giả thuyết "Cánh đồng chum" vốn là một nghĩa trang trong xã hội loài người thời xưa.
Những chiếc chum đá khổng lồ
Năm 2016, các nhà khảo cổ tại ĐH quốc gia Úc đã thám hiểm một khu vực thuộc Cánh đồng chum - vốn được xem là "địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới" do vẫn còn bom đạn sót lại từ thời chiến tranh. Họ đã tìm thấy nhiều hố chứa xương người có niên đại từ cách đây hơn 2.500 năm.
Và ngày nay, cũng chính những nhà khảo cổ ấy lại tiếp tục một cuộc săn tìm quy mô lớn hơn. Lần này, họ tìm ra thêm hàng trăm "chum người chết" nữa, từ đó đưa ra hy vọng giải mã được bí ẩn của những chiếc chum ngàn năm tuổi.
"Khu vực này vốn chỉ được dân săn trộm hổ ghé thăm," - Nicholas Skopal, tiến sĩ khảo cổ tại ĐH Quốc gia Úc cho biết.
"Giờ chúng tôi tái khám phá nơi này, với hy vọng làm nên một bức tranh rõ ràng hơn về nền văn hóa của người xưa, và cách họ giải quyết thi thể người chết."
Những chiếc hũ mới được tìm thấy có niên đại từ 1000 năm trước. Ngoài ra các chuyên gia cho biết họ còn tìm được những đồ tạo tác từ thời kỳ Đồ sắt như gốm sứ, hạt thủy tinh, công cụ lao động, trang sức và một con quay để dệt vải.
Xung quanh chiêc hũ có những chiếc đĩa được trạm khắc khá tinh xảo, được cho là để đánh dấu nơi chôn cất.
"Điều đáng nói là chúng tôi cũng tìm thấy những chiếc chum cỡ nhỏ, có hình dạng tương tự nhưng được làm bằng đất sét," - tiến sĩ Dougald O'Reilly, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
"Chúng tôi thực sự muốn biết tại sao người xưa lại đặt những chiếc chum nhỏ này ở đó."
Tổng cộng có 137 chiếc chum, nặng khoảng vài tấn. Khu vực đặt chum thì khá hẻo lánh cách mỏ đá gần nhất thì cách khu vực này hàng cây số. O'Reilly cho biết anh không rõ tại sao người xưa lại mất công chuyển đá đi làm gì, và tại sao lại chọn khu vực quá xa như thế, nhất là khi khu vực này không có bằng chứng cho thấy con người từng sinh sống ở đây.
"Rõ ràng những chum đá này được đục trong mỏ đá, và bằng cách nào đó được vận chuyển vài kilomet đến đây. Nhưng tại sao các địa điểm này được chọn là một bí ẩn."
0 nhận xét:
Đăng nhận xét