Tuấn Cao, CEO, đồng sáng lập Genetica, đã từng có thời gian làm việc ở Google. Trong dòng hồi tưởng của anh, Google là nơi anh được đánh giá cao, công việc tiến hành trôi chảy, mức lương tốt đến mức anh đã mua được nhà ở Mỹ. Nhưng khát vọng đóng góp gì đó lớn lao hơn thay vì chỉ là một bộ phận nhỏ trong guồng quay lớn đã mang anh về Việt Nam.
"Đó là lý do tôi thành lập Genetica để xét nghiệm gen cho mọi người. Nếu biết rõ bản đồ gen của mình, chúng ta có thể ngăn ngừa ung thư, phòng tránh bệnh tật, xây dựng chế độ ăn tốt hơn, mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn cho bản thân", Tuấn Cao chia sẻ tại Diễn đàn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam-Vietnam Venture Summit 2019.
"Nghĩa là những gì tôi làm với startup này mang lại tác động lớn hơn cho cộng đồng xã hội, không chỉ dừng lại ở phạm vi nhỏ như tôi đóng góp trước đây".
Như nhiều startup khác, với Genetica, Tuấn Cao cùng cộng sự khởi nghiệp trong mảng deep tech, xây dựng bản đồ gen của người Việt Nam nói chung và châu Á nói riêng bằng sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo, và phân tích chuyên môn.
"Deep tech" hiểu đơn giản là thuật ngữ sử dụng cho những mảng công nghệ tiên phong như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (Internet of things), AR/VR (Thực tế ảo/ Thực tế tăng cường), Blockchain (chuỗi khối),...được áp dụng để giải các bài toán trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Tuấn Cao, CEO, đồng sáng lập Genetica
Nhiều người quan niệm startup đã rủi ro, nên startup trong lĩnh vực công nghệ ở một quốc gia đang phát triển còn rủi ro hơn nữa. Tuy nhiên, Tuấn Cao có cái nhìn khá lạc quan về vấn đề này.
"Với tôi, deep tech trong lĩnh vực công nghệ là rủi ro thấp nhất khi làm startup. Vì thực ra chúng ta cần có mỗi pizza, máy tính, thêm cốc cà phê nữa là khởi động được. Các nghiên cứu về xe máy điện, ô tô điện có thể mất nhiều tiền để làm nhưng với một số lĩnh vực như AI, nếu chúng ta có một vấn đề tốt để giải quyết, chúng ta chỉ cần 3 lít nước mỗi ngày, 2 miếng pizza, 1 cái máy tính là đủ để khởi động một startup", Tuấn Cao khẳng định.
Cũng trong quan niệm của anh, Việt Nam là mảnh đất còn nhiều tiềm năng để phát triển.
CEO Genetica kể lại rằng khoảng 2 tuần trước đây, các nhà đầu tư cùng một số giáo sư người Mỹ đến Việt Nam gặp đội ngũ Genetica. Ban đầu họ đều nghi ngờ khả năng sản sinh ra kỳ lân công nghệ ở Việt Nam, nhưng sau một thời gian tiếp xúc, nhận thấy sự hỗ trợ tích cực của chính phủ Việt Nam cũng như khao khát của thế hệ trẻ, tất cả đều thay đổi quan điểm.
"Khi quay lại Mỹ họ nói với tôi: ‘Anh Tuấn ơi, anh có cơ hội lớn tại Đông Nam Á cũng như Việt Nam, vì trong khu vực này Việt Nam có thị trường lớn hơn Singapore, chính phủ cởi mở hơn Trung Quốc. Chúng ta có cơ hội lớn để tạo ra kỳ lân ở Việt Nam", CEO Tuấn Cao hồ hởi cho biết.
Đồng quan trên, CEO Lợi Lưu của Kyber Network, mạng giao dịch tiền số phân quyền đã kêu gọi được 52 triệu USD từ hơn 21.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ trong đợt chào bán token hồi tháng 9/2017, cũng cho rằng Việt Nam là môi trường tốt để startup deep tech khởi động.
"Tôi nghĩ với dân số gần 100 triệu người, startup chỉ cần đáp ứng nhu cầu trong nước là đã đủ lớn rồi chứ chưa cần đi ra thị trường khu vực hay thế giới làm gì. Singapore có 56 triệu dân số, muốn làm gì lớn startup của họ đều phải vượt ra khỏi lãnh thổ. Trong khi Việt Nam có thị trường lớn, lại vẫn còn nhiều thách thức hấp dẫn để giải quyết".
Tuy nhiên, Lợi Lưu cũng chỉ ra vẫn còn tồn tại một số trở ngại với startup deep tech ở Việt Nam như hệ thống pháp lý chưa rõ ràng, nhiều nhà sáng lập có tài năng nhưng tầm nhìn ngắn hoặc mơ hồ, chưa có sự thôi thúc để dành ra vài năm nghiên cứu, hiểu cốt lõi vấn đề,...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét