Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Ông John Suffolk - Giám đốc An ninh mạng của Huawei Technologies vừa ra điều trần tại Ủy ban Khoa học và Công nghệ Hạ viện Anh để trả lời các câu hỏi liệu hãng có mối quan hệ trực tiếp với chính phủ Trung Quốc hay không, theo BBC.


Theo Giám đốc an ninh mạng, ông John Suffolk, Huawei sẵn sàng để người ngoài phân tích các sản phẩm của hãng và phát hiện các lỗ hổng kỹ thuật hoặc mã hóa.


Đặc biệt, ông Suffolk khẳng định với các nghị sĩ Anh rằng chính phủ Trung Quốc "chưa từng yêu cầu Huawei làm bất cứ điều gì không mong muốn": "Chúng tôi chưa từng bị chính phủ Trung Quốc hay chính quyền nước khác yêu cầu làm bất kỳ điều gì có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của sản phẩm".


Trả lời câu hỏi liệu Huawei có thể truy cập vào mạng di động 5G của Anh từ xa thông qua các thiết bị của hãng, ông Suffolk giải thích Huawei chỉ là doanh nghiệp cung cấp thiết bị viễn thông cho các nhà mạng.


"Chúng tôi không vận hành mạng viễn thông, do đó chúng tôi không thể tiếp cận các dữ liệu trên những mạng viễn thông đó", ông Suffolk nói.


Theo ông Suffolk, chỉ có khoảng 30% linh kiện trong các sản phẩm của Huawei thực sự do công ty sản xuất - phần còn lại được lấy từ chuỗi cung ứng toàn cầu mà Huawei giám sát chặt chẽ để ngăn chặn vi phạm an ninh.

Huawei hiện là công ty hàng đầu thế giới về công nghệ 5G, trong thời gian qua công ty này luôn nỗ lực để giành các hợp đồng từ Anh và Đức và để xây dựng hệ thống Internet với tốc độ cao hơn.


Trong khi đó, Mỹ từ lâu cáo buộc Huawei là "công cụ do thám" của chính phủ Trung Quốc, song tập đoàn viễn thông Trung Quốc luôn phủ nhận điều này.


Ngày 15.5, Nhà Trắng đã đưa ra lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông bị coi là rủi ro với an ninh quốc gia, động thái nhắm vào Huawei. Huawei cũng bị cấm mua linh kiện Mỹ nếu không có sự chấp thuận từ Washington.


Với chính sách này của Tổng thống Donald Trump, con đường bành trướng ra toàn cầu của Huawei đã bị chặn đứng. Không dừng lại ở đó, các công ty công nghệ Mỹ như Google, Intel... cũng dừng hợp tác với Huawei, khiến cho công ty công nghệ Trung Quốc phải bắt buộc phát triển lại Android từ AOSP.


Bên cạnh đó, Huawei sẽ còn gặp các trở ngại liên quan tới chuỗi cung ứng, bằng sáng chế và thậm chí còn phải tìm cách thuyết phục người dùng quốc tế chấp nhận một trải nghiệm Android không có Google.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét