Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Chiêu bài "ném con" của Lưu Bị sau khi Triệu Vân liều mình cứu ấu chúa năm xưa thực chất được xem là một nước cờ đầy toan tính của vị quân chủ này.



Và quân cờ bị thao túng trong đó không phải ai khác mà lại là chính Triệu Tử Long.


Nhắc tới những giai thoại về cách đối nhân xử thế của quân chủ Lưu Bị trong "Tam Quốc diễn nghĩa", không thể không kể tới câu chuyện "ném con thu lấy bụng anh hùng".


Năm xưa sau khi gia quyến được Triệu Vân liều mình cứu về từ trong vòng vây của quân Tào, Lưu Huyền Đức đã thẳng tay ném A Đẩu xuống đất chỉ vì người con này đã khiến ông suýt mất đi viên hổ tướng họ Triệu.


Nhiều người cho rằng đây thực chất chỉ là một chiêu bài để Lưu Bị thu phục lòng người. Thế nhưng theo phân tích của chuyên trang về lịch sử Trung Quốc Qulishi, hành động ấy một mặt vừa bộc lộ điểm cao minh hiếm có cũng như ẩn chứa nhiều động cơ sâu xa khác của vị quân chủ này.

Câu chuyện "ném con thu lấy bụng anh hùng": Chân tướng không đơn thuần như hậu thế vẫn nghĩ


Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Năm 208, Tào Tháo dẫn đại quân xuôi nam với ý đồ đánh chiếm Kinh Châu. Cũng trong năm ấy, người nắm quyền tối cao ở vùng đất này là Lưu Biểu đột ngột qua đời, quyền lực được chuyển giao lại cho con trai ông là Lưu Tông.


Trước sự đầu hàng của Lưu Tông, đất Kinh Châu nhanh chóng về tay Tào Tháo. Kết quả là cuộc chiến chinh phạt Kinh Châu của quân Tào chuyển thành trận đánh truy kích thế lực Lưu Bị.


Trong cuộc chiến tại Đương Dương – Trường Bản, cánh quân của Lưu Bị không chống đỡ nổi và chuốc lấy thất bại nặng nề. Vị quân chủ này buộc phải để lại thân quyến và cùng một vài thân tín rút chạy.


Bấy giờ, cánh quân hộ tống gia quyến của Lưu Huyền Đức do Triệu Vân chỉ huy cũng bị quân Tào đánh tan. Trước tình thế cấp bách khi đó, ông đã lệnh cho những người còn lại rút về phía nam theo Lưu Bị, còn một mình tự xông pha trận địa để cứu gia quyến của quân chủ.


Khi ấy, hai vị phu nhân của Lưu Bị và người con trai Lưu Thiện (tiểu tự A Đẩu) đã rơi vào tay quân Tào. Thế nhưng khi nhóm người này còn chưa bị áp giải về Tào doanh thì Triệu Vân đã đột kích vòng vây đánh tới nơi, giải cứu được Cam phu nhân cùng ấu chúa.



Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Mặc dù chính sử không ghi lại chi tiết về việc Triệu Tử Long cứu A Đẩu, thế nhưng sự kiện này lại được La Quán Trung đưa vào "Tam Quốc diễn nghĩa" trong hồi thứ 41 và 42 với bút pháp miêu tả hết sức ly kỳ, hấp dẫn.


Cũng trong tác phẩm này, sau khi được vị tướng họ Triệu trao lại ấu chúa, Lưu Bị đã làm ra một hành động mà khó ai có thể tưởng tượng được.


"Huyền Đức đỡ lấy A Đẩu, rồi ném phịch xuống đất và nói:


- Vì mày mà ta suýt nữa mất đi một viên đại tướng".


Hành động bất ngờ ấy của vị quân chủ họ Lưu chẳng những khiến chúng tướng ngạc nhiên mà còn làm cho bản thân Triệu Vân xúc động, khóc lạy và nói:


"Vân dù gan óc lầy đất, cũng không đủ báo được".


Do ảnh hưởng từ "Tam Quốc diễn nghĩa", giai thoại Lưu Bị ném con mặc dù không thuộc về chính sử nhưng lại được rất nhiều người biết tới.


Người đời đều cho rằng mục đích thực sự của nhân vật Lưu Bị khi làm ra hành động này là để "ném con thu lấy bụng anh hùng".


Thế nhưng chỉ khi phân tích vào động cơ khiến Lưu Huyền Đức làm việc này, người đời mới thấy được sự cao minh của vị quân chủ ấy.


Động cơ thực sự phía sau chiêu bài "ném con" của Lưu Bị: Nước cờ "vừa đấm vừa xoa" đối với Triệu Vân


Năm xưa Triệu Vân phải liều mình xông vào giữa vòng vây quân địch mới có thể đem A Đẩu về cho Lưu Bị. Thế nhưng vị quân chủ này khi nhận lại con chẳng những không có vẻ cảm động mà còn tức giận đến mức ném bỏ cốt nhục của mình.


Có ý kiến cho rằng, hành động khó hiểu đó của Lưu Huyền Đức quả thực đã uổng phí công lao liều mình cứu chúa của Triệu Tử Long.


Thế nhưng nếu xem xét từ những nguyên nhân dưới đây, thì việc Lưu Bị ném con lại bộc lộ cách đối nhân xử thế cao minh hiếm có của ông.


Nguyên nhân thứ nhất: Lưu Bị cố tình muốn làm lu mờ đi chiến công cứu chúa của Triệu Vân


Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Theo phân tích của trang Qulishi, khi nhận lại gia quyến do Triệu Vân liều mạng cứu về, Lưu Bị đã phải đối mặt với tình huống hết sức khó xử. Bởi Triệu Tử Long vốn là bộ hạ của ông, là người mà nghiễm nhiên nên phụng sự, thậm chí bán mạng cho quân chủ mà không cần hồi đáp.


Nếu như ông phá lệ để cảm tạ ân tình cứu vợ con lần này, chỉ e rằng trong những cuộc chiến sắp tới, số người có ơn với Lưu Bị có lẽ sẽ nhiều như nấm mọc sau mưa. Như vậy thì ông sẽ không cách nào chỉ huy và ra lệnh cho họ như những thuộc hạ bình thường khác.


Thế nhưng giả sử vị quân chủ này không bày tỏ sự cảm kích thì sẽ đi ngược lại với phép tắc của cổ nhân, mất đi hình tượng nhân nghĩa thấu tình đạt lý trong mắt ba quân, làm vậy thì sau này sẽ chẳng còn ai dám bán mạng vì Lưu Bị.



Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Tuy nhiên trong trường hợp ông muốn cảm tạ Triệu Vân, thì việc nên lấy gì để ban thưởng cũng là một vấn đề nan giải.


Ban thưởng tiền bạc thì quả thực không tiện, bởi Lưu Bị trong bối cảnh ấy cũng không quá dư dả, mà nếu ban thưởng ít thì có thể bị hiểu nhầm rằng thân nhân của mình không đáng tiền. Đó là chưa kể việc một võ tướng xông pha trận mạc như Triệu Long có lẽ cũng chẳng có hứng thú với của cải vật chất.


Ban thưởng cho chức tước vốn là điều trong tầm tay, thế nhưng việc cho Triệu Vân thăng chức, thống lĩnh ba quân lại có thể ít nhiều khiến cho các võ tướng cốt cán khác như Quan Vũ, Trương Phi không bằng lòng, từ đó dễ làm nảy sinh mâu thuẫn nội bộ.


Ban thưởng mỹ nhân cũng có vẻ hợp lý, tuy nhiên xét đến bối cảnh trong diễn nghĩa, Lưu Bị tuy nhận về A Đẩu và Cam phu nhân, nhưng My phu nhân lại vừa tự vẫn trước đó. Vì vậy cách thức cảm tạ này cũng không phù hợp với một vị quân chủ vừa mới mất đi thê thiếp như Lưu Huyền Đức lúc đó.


Còn nếu để Triệu Vân làm cha nuôi A Đẩu thì vị tướng này lại không đáp ứng đủ những yêu cầu về mặt xuất thân và bối cảnh. Bởi từ cổ chí kim, những người được làm nghĩa phụ của ấu chúa thường là các bậc trưởng giả đức cao vọng trọng.


Hơn nữa trong trường hợp ông quả thực có được danh phận nói trên thì tất sẽ bước lên địa vị dưới một người trên vạn người, mà tấm gương của Đổng Trác – Lữ Bố năm xưa vẫn còn đó, cho nên Lưu Bị không thể không cân nhắc.



Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Do đó khi đối mặt với hàng loạt những điều tiến thoái lưỡng nan trên đây, vị quân chủ họ Lưu đã lựa chọn một cách làm mà ít ai nghĩ tới, đó là biến mình từ vị trí bị động thành người chủ động.


Từ một người đang phải mang ơn với Triệu Vân, ông đã thẳng tay ném con xuống đất, thể hiện trước ba quân rằng mình là người xem trọng ái tướng, coi nhẹ ruột thịt, từ đó làm lu mờ đi giá trị trọng yếu của chiến công cứu chúa mà Triệu Vân lập được.


Nước cờ này của Lưu Bị chẳng những khiến cho Triệu Tử Long cảm động vì được quân chủ xem trọng hơn cốt nhục tình thâm mà cũng giúp bản thân Lưu Huyền Đức giải quyết được toàn bộ những vấn đề khó xử đang bày ra trước mắt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.


Nguyên nhân thứ hai: Khiến Triệu Vân càng thêm cảm kích và tin tưởng vào vị quân chủ mà mình lựa chọn



Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Đánh giá về mối quan hệ của Lưu Bị và Triệu Vân lúc sinh thời, nhiều người cho rằng vị quân chủ này biết Tử Long là người tài nhưng lại không quá mức trọng dụng.


Theo nhận định của trang Qulishi, Lưu Huyền Đức năm xưa đã từng quý trọng nhất 3 nhân tài, đó là Điền Dự, Từ Thứ và Triệu Vân. Thế nhưng trong đó có 2 người đã bỏ ông mà đi, chỉ có Triệu Vân là phò tá tới cuối cùng.


Vị quân chủ này cũng hiểu rõ hơn ai hết, Triệu Vân là một nhân tài trung thành, thế nhưng ông trung thành với lý tưởng của mình chứ không phải ngu trung mù quáng vì bất kỳ ai.


Về lý tưởng mà cả đời vị tướng họ Triệu theo đuổi, "Tam Quốc chí" phần "Triệu Vân truyện" chú dẫn "Vân Biệt truyện" ghi lại:


"Bấy giờ Viên Thiệu xưng làm Ký Châu mục, Toản (chỉ Công Tôn Toản) rất lo lắng nhân tài châu ấy sẽ về với Viên Thiệu, vừa hay lúc Vân đến trợ giúp, Toản mới cao hứng bảo Vân rằng:


-Nghe tin người ở quý châu đều tới với họ Viên, sao một mình ngươi lại về với ta, chẳng là bỏ lối mê mà phản tỉnh đấy ư?


Vân đáp rằng:


-Thiên hạ loạn lạc, chưa biết ai thế nào, dân chúng chao đảo khốn khổ vì chiến loạn, người ở bỉ châu nghị luận, mong theo về bậc chính nhân, chẳng phải vì rời xa Viên công mà thân gần với tướng quân vậy".


Lời này đã khẳng định rằng, Triệu Vân không phải là con người dễ dàng ngả theo phe quyền thế. Ông muốn phò tá một vị minh chủ xứng với hai chữ "chính nhân", có thể bình thiên hạ, cứu bách tính.



Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Và có lẽ cũng chính lý tưởng chính nghĩa nối trên đã khiến ông trở thành một võ tướng trung thành nhưng không dễ bề bị khống chế. Lưu Bị cũng vì vậy mà khó lòng hoàn toàn yên tâm trước Triệu Vân.


Với một nhân tài kiên trung với lý tưởng như vậy, nếu không cho người đó đủ sự công nhận, không chứng minh được bản thân mình là một quân chủ đủ nhân nghĩa, thì rất khó có thể đảm bảo sau này Triệu Tử Long sẽ không rời bỏ Thục Hán mà đi.


Thế nhưng để làm được điều này trong hoàn cảnh quân Thục vừa mới thảm bại trước quân Tào là điều không hề đơn giản. Vì vậy Lưu Bị đã buộc phải liều lĩnh hy sinh con trai một lần, lấy việc ném con để làm nổi bật sự coi trọng mà ông dành cho Triệu Tử Long.


Đối với một người như Triệu Vân mà nói, hết thảy những thứ phù phiếm như vật chất, quyền lực hay một vài lời tán dương đơn thuần cũng không thể bằng được sự công nhận và coi trọng từ quân chủ, mà hành động của Lưu Bị cũng khiến cho vị tướng này tin rằng ông quả thực đã phò tá một người có đủ nhân nghĩa và sáng suốt để bình thiên hạ, cứu bách tính.


Cũng bởi vậy mà Triệu Tử Long sau đó đã càng thêm cảm kích ơn tri ngộ và một mực muốn dốc hết tâm sức của mình để bán mạng vì chủ nhân, bởi ông tin rằng lý tưởng của mình đã tìm được một người soi đường đúng đắn.


Nếu như giả thiết phân tích trên đây là sự thật, thì chiêu bài ném con của Lưu Bị có thể xem như nước cờ "vừa đấm vừa xoa" đối với nhân tài Triệu Vân. Biến một người vừa lập công trở thành người chịu ơn, đưa mình từ chỗ người chịu ơn trở thành người ban ơn, đó chính là điểm cao minh hơn người của vị quân chủ họ Lưu ấy.


*Theo quan điểm của Qulishi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét