Lữ Bố (160 - 199), còn gọi là Lã Bố, tự Phụng Tiên, là tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời đại bấy giờ, hình ảnh vị tướng họ Lữ cầm trong tay phương thiên họa kích, cưỡi trên mình ngựa Xích Thố đã từng trở thành nỗi ám ảnh với không ít các thế lực đối địch.
Tuy nhiên dù nổi danh với võ lực được xem là "đệ nhất thiên hạ", Lữ Bố vẫn phải kết thúc sự nghiệp của mình khi đương độ tráng niên chỉ vì thất bại trước Tào Tháo trong cuộc chiến giữa các thế lực quân phiệt cuối thời Đông Hán.
Theo nhiều giai thoại truyền lại, trước lúc bị hạ sát ở lầu Bạch Môn vào năm 199, Lữ Phụng Tiên đã từng để lại một di ngôn đầy ẩn ý cho đối thủ Tào Mạnh Đức. Chỉ tiếc rằng vị quân chủ họ Tào đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo này mà không ngờ được rằng tiên liệu của Lữ Bố không lâu sau đó sẽ ứng nghiệm không sai một chữ.
Bi kịch của Lữ Bố - võ tướng có tài nhưng bất trung: Thất bại là điều đã được tiên liệu trước
Người đời thường nói "Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố" (Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố) với hàm ý xem Lữ Bố và ngựa Xích Thố như là 2 cực phẩm chốn nhân gian. (Ảnh minh họa).
Nhắc tới tên tuổi của Lữ Bố, nhiều người thường nhớ danh hiệu "võ tướng vô địch thiên hạ" cuối thời Đông Hán hay lời truyền miệng "nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố".
Thế nhưng mặc dù sở hữu võ nghệ cao cường, Lữ Phụng Tiên năm xưa vẫn không tránh khỏi kết cục bi thảm, mà nguồn cơn của bi kịch ấy lại bắt nguồn từ chính thái độ làm người bị cho là bất nghĩa của ông.
Năm xưa, Lữ Bố từng vì ngựa quý và lợi lộc mà bị Đổng Trác mua chuộc, sau đó đã xuống tay giết vị quân chủ đầu tiên mà mình từng phụng sự là Đinh Nguyên.
Mối quan hệ vụ lợi giữa Đổng – Lữ cũng chẳng được bền lâu. Kết quả là vì nghe theo lời thuyết phục của Đại tư đồ Vương Doãn, ông cũng đã thẳng tay sát hại Đổng Trác.
Sau khi Đổng tặc bị diệt, Lữ Bố nhanh chóng bại dưới tay đội quân của Lý – Quách và bị đánh bật khỏi kinh thành
Trước tình cảnh ấy, ông buộc phải nương nhờ Viên Thuật, Viên Thiệu một thời gian nhưng chẳng mấy chốc đã trở mặt và đoạn tuyệt mối quan hệ với hai thế lực chư hầu này.
Năm 194, thừa dịp Tào Tháo đem quân đánh Từ Châu, Lữ Bố đã dẫn người tới tấn công căn cứ của Tào ở Duyện Châu.
Thế nhưng Tào Mạnh Đức vốn chẳng phải dê non chờ người khác tới làm thịt. Khi Lữ Phụng Tiên còn ngồi chưa ấm chỗ tại địa bàn này, ông đã cùng lục đại mãnh tướng khét tiếng thời bấy giờ (gồm Hứa Chử, Điển Vi, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Lý Điển, Nhạc Tiến) đánh cho phe Lữ Bố hoàn toàn đại bại.
Thất bại của Lữ Bố trước cuộc phản công từ Tào Tháo vốn được xem là kết cục tất yếu. Bởi võ tướng họ Lữ mặc dù có tài võ nghệ nhưng lại bị xem là kẻ hữu dũng vô mưu, không biết dùng người.
Đây cũng là lý do khiến nhiều hổ tướng dưới tay ông như Trương Liêu, Tang Bá, Hách Manh đều không có mấy đất dụng võ khi phụng sự cho thế lực chư hầu này.
Do ảnh hưởng từ "Tam Quốc diễn nghĩa", nhiều độc giả thường xem Lữ Bố như Chiến thần và tin rằng ông là vị tướng dũng mãnh nhất trong thời đại bấy giờ. (Ảnh minh họa).
Sau thất bại thê thảm trước Tào Tháo, Lữ Phụng Tiên buộc phải tới nương nhờ Từ Châu của Lưu Bị - một chư hầu tuy còn nhỏ yếu nhưng đã sớm nổi danh với ngọn cờ nhân nghĩa.
Không ngờ tới năm 196, Lữ Bố lại "ngựa quen đường cũ", lợi dụng lúc Lưu Bị tấn công Viên Thuật để đánh cướp Từ Châu, hớt tay trên mảnh đất đặt chân duy nhất của Lưu Hoàng thúc.
Bấy giờ Lưu Bị cũng không còn cách nào khác, buộc phải dẫn quên về Tiểu Bái. Thế nhưng mọi chuyện vẫn không dừng lại ở đó.
Năm 198, vì lo sợ thế lực của Lưu Huyền Đức càng lúc càng lớn mạnh, Lữ Bố đã sai Trương Liêu và Cao Thuận tấn công Tiểu Bái. Đối mặt với tình cảnh hiểm ác này, Lưu Bị buộc phải bỏ lại thân nhân để chạy trốn và buộc phải cầu cứu Tào Tháo.
Trước tình hình ấy, một Tào Tháo vì muốn trừ đi hậu họa cùng một Lưu Bị đang muốn rửa hận trong lòng đã bắt tay với nhau và công phá thành Hạ Bì, dồn Lữ Bố vào bước đường cùng ở lầu Bạch Môn.
Di ngôn cuối đời của Lữ Bố: Khiến Tào Tháo cả đời hối hận vì không nghe theo
Đầu năm 199, phe của Lữ Bố đã hoàn toàn thất bại trước cuộc tấn công từ Tào Tháo. Khi bị dồn vào đường cùng ở lầu Bạch Môn, ông đã nói các thủ hạ chặt đầu mình dâng nộp nhưng không ai nỡ xuống tay. Kết quả là Lữ Bố bị quân Tào bắt sống và trói đến trước mặt Tào Tháo cùng Lưu Bị.
Theo ghi chép của một số nguồn sử liệu, Lữ Bố khi đó muốn xin hàng Tào Tháo, Tháo phân vân nên hỏi lại Lưu Bị. Tuy nhiên Lưu Bị đã khuyên ông giết Lữ Bố, vì kẻ này vốn là người vong ân phụ nghĩa, từng trở mặt giết Đinh Nguyên và Đổng Trác.
Một lời này của Lưu Huyền Đức cũng đã chặt đứt đường sống duy nhất mà Lữ Phụng Tiên hi vọng. Kết cục là Lữ Bố bị Tào Tháo đem đi chém đầu, một đời võ tướng lẫy lừng cứ như vậy bỏ mạng ở tuổi 40.
Tuy nhiên có nhiều giai thoại cho rằng, màn đối thoại cuối đời của Lữ Bố với Tào Tháo và Lưu Bị không chỉ dừng lại như vậy.
Khi đã bị dồn vào bước đường cùng, Lữ Bố từng có ý định muốn quy hàng Tào Tháo và xin Lưu Bị nói giúp. Thế nhưng chính những lời kích bác từ Lưu Huyền Đức đã đẩy vị võ tướng nổi danh này vào cửa tử. (Ảnh minh họa).
Tương truyền rằng, Lữ Phụng Tiên trước lúc bị giải đi hành hình đã chỉ thẳng vào mặt Lưu Huyền Đức và mắng lớn:
"Thằng này mới là kẻ không đáng tin nhất".
Còn theo "Hậu Hán thư" phần "Lữ Bố truyện", câu nói của Lữ Bố dù cũng mang hàm ý tương tự như trên nhưng câu chữ lại có phần khác biệt. Theo đó, lời mắng của ông nhằm thẳng vào Lưu Bị có nội dung như sau:
"Thằng tai to này mới là kẻ không đáng tin nhất".
Còn trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Lữ Bố trước thái độ không màng bênh vực của Lưu Bị thì cũng đã bất mãn mà nói ra hai câu:
"Thằng này thực là vô tín".
Và:
"Thằng tai to kia, quên mất công ta bắn kích ở nha môn rồi à?".
Dù có nhiều phiên bản lưu truyền khác nhau, nhưng lời mắng của Lữ Bố đối với Lưu Bị lúc cuối đời vẫn thường được nhắc tới như di ngôn của nhân vật này. Còn theo nhận định của tờ báo Sohu (Trung Quốc), đây không đơn thuần chỉ là một di ngôn mà thực chất là lời cảnh báo mà Lữ Bố muốn gửi tới Tào Tháo.
Trước đó, lời kích bác của Lưu Bị đã ngầm nhắc nhở Tào Tháo về tính cách phản phúc giết chủ của Lữ Bố, từ đó khiến cho nhân vật này dù có xin hàng cũng không được chấp nhận.
Thế nhưng Lữ Bố cũng không phải kẻ nằm yên chịu chết mà một mực muốn kéo Lưu Huyền Đức xuống vũng lầy cùng mình.
Khi biết mình đã không còn đường sống, ông đã không ngần ngại chĩa mũi nhọn thẳng vào Lưu Bị bằng một lời mắng mỏ mang theo sự trách cứ cùng nhiều hàm ý ám chỉ.
Lữ Bố một mặt dùng lời nói để chỉ trích Lưu Bị là kẻ không có tín nghĩa khi đã quên việc mình từng bắn kích ở nha môn nhằm giảng hòa cho hai phe Lưu - Viên, mặt khác lại cố ý kích bác, mượn tay Tào Tháo hòng trừ khử Lưu Bị.
Chỉ tiếc rằng Tào Mạnh Đức dù khét tiếng đa nghi, thế nhưng đến cuối cùng vẫn vì xem thường lời cảnh báo của Lữ Bố mà nhận ngay quả đắng.
Chỉ 1 năm sau ngày Lữ Phụng Tiên vong mạng, Lưu Bị sau một thời gian giấu mình nương nhờ Tào Tháo thì đã mượn cớ đi đánh Viên Thiệu để thoát ly Tào doanh.
Kể từ đó, vị Hoàng thúc của nhà Hán này từng bước gây dựng thế lực, thậm chí sau này còn liên thủ với Đông Ngô khiến cho quân Tào thảm bại ở trận Xích Bích.
Thế lực của Lưu Bị cũng đã trở thành một kình địch cùng Tào Ngụy, Đông Ngô chia ba thiên hạ, đập tan mộng tưởng nhất thống mà Tào Tháo cả đời thèm khát.
Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, Tào Tháo trong những năm tháng sau này rất có thể đã hối hận vì không nghe theo lời cảnh báo năm xưa từ Lữ Bố.
Thiết nghĩ nếu năm xưa Tào Mạnh Đức tin vào di ngôn của Lữ Phụng Tiên, sớm nhìn ra dã tâm của Lưu Bị, từ đó đem nhân vật này giam lỏng hoặc trực tiếp trừ khử thì thế cục Tam Quốc sau này sẽ thay đổi, lịch sử Trung Hoa cũng vì vậy mà rất có thể sẽ được viết lại theo một cách hoàn toàn khác.
*Theo quan điểm của Sohu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét