Theo một nghiên cứu mới, các bệnh mãn tính như đột quỵ, bệnh tim và ung thư phổi đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua. Điều này cho thấy xu hướng sức khỏe ngày càng giống với Mỹ và những quốc gia tiên tiến khác của đất nước tỷ dân.
Nghiên cứu được công bố tuần này trên tạp chí Lancet đã chỉ ra rằng những căn bệnh trên đã thay thế nhiễm trùng phổi và rối loạn sơ sinh để trở thành "kẻ giết người" hàng đầu ở Trung Quốc.
Phân tích trên đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về áp lực mới đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á. Trung Quốc đang phải vật lộn để chống lại những bệnh phức tạp, kéo dài và tốn nhiều chi phí điều trị hơn. Sự thay đổi có thể sẽ làm tăng đáng kể chi phí chăm sóc sức khỏe của quốc gia này trong thời gian tới.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng 90% trong số 3.300 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm của nước này dành cho người mắc bệnh mãn tính hoặc gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Maigeng Zhou, thành viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc và cũng là người giúp tiến hành nghiên cứu nhận định: "Giống nhiều quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc đã đạt đỉnh điểm trong 3 thập kỷ qua. Trong tương lai, gánh nặng về các vấn đề sức khỏe mãn tính, đặc biệt là ở người cao tuổi sẽ vượt xa các bệnh truyền nhiễm".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chi tiêu y tế của Trung Quốc năm 2016 là 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với 17,1% của Mỹ, 11,5% tại Pháp và 9,8% ở Vương quốc Anh.
Huyết áp cao, hút thuốc ăn mặn và ô nhiễm môi trường hiện là những yếu tố chính gây tử vong ở Trung Quốc. Theo nghiên cứu, những người ở khu vực thành thị, vùng ven biển và các tỉnh giàu có ở miền đông Trung Quốc có xu hướng khỏe mạnh hơn những người ở nông thôn và nghèo hơn ở phía tây. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh tiểu đường quốc gia đã tăng hơn 50% từ năm 2000 đến 2017 do thay đổi lối sống, bao gồm tăng tiêu thụ thịt đỏ và giảm hoạt động thể chất.
Trung Quốc đang tìm cách giảm áp lực lên hệ thống y tế công cộng bằng cách giảm giá thuốc và khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào bệnh viện.
Cũng theo nghiên cứu, quốc gia đông dân nhất thế giới đã hưởng lợi không ít từ sự sụt giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em trong gầm 3 thập kỷ, đi kèm với đó là tăng trưởng kinh tế và nỗ lực thực hiện các chương trình quốc gia để giải quyết bệnh truyền nhiễm.
Một phần của dự án do Viện đánh giá và đo lường sức khỏe của Đại học Washington thực hiện đã tiến hành nghiên cứu dữ liệu từ năm 1990 đến năm 2017. Tại Mỹ, bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong năm 2016, tiếp theo là ung thư, tai nạn, bệnh hô hấp và đột quỵ.
Còn ở Trung Quốc, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và ung thư gan là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. So với quốc gia phát triển kinh tế tương tự như Nga, Trung Quốc có mức đột quỵ, COPD, ung thư phổi, ung thư gan và ung thư dạ dày cao hơn hẳn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét