Với chủ đề “Xây dựng cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực”, buổi tọa đàm trực tuyến do báo Giao thông tổ chức ngày 1/11, câu chuyện chính sách, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước với nhà đầu tư lại tiếp tục được xới lên.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, căn cứ nhu cầu vận tải và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn. Riêng giai đoạn 2016 – 2020, phân bổ cho Bộ GTVT 75.000 tỷ đồng, trong đó 5.000 tỷ đồng dành cho sân bay Long Thành, 55.000 tỷ đồng cho đường cao tốc Bắc – Nam và 15.000 tỷ đồng còn lại sử dụng cho các dự án bị đình, giãn, hoãn theo Nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, đối với dự án này, Nhà nước sẽ tiến hành GPMB và ban giao lại cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Giám đốc Tập đoàn cầu đường Sài Gòn Trần Văn Thế cho rằng, việc Nhà nước cùng tham gia thực hiện cao tốc Bắc – Nam, đặc biệt là công tác GPMB là một tín hiệu vui đối với dự án và nhà đầu tư. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án, Nhà nước cần phải đảm bảo chính sách, tạo sự đồng thuận giữa một số luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và một số nghị định hướng dẫn... Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư. Bởi, theo ông Thế, hiện nay, chúng ta đang lập phương án tài chính cho hàng mấy chục năm, nhưng khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, thực tế lại khác, tốc độ phát triển không đạt, thì ai là người chia sẻ với nhà đầu tư? “Chúng tôi thường nhận được công văn đàm phán giảm giá phí nhưng không rõ đó là văn bản đàm phán hay văn bản quy phạm pháp luật. Nếu là văn bản đàm phán thì chúng tôi có quyền từ chối nhưng nếu là văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi buộc phải thực hiện” – ông Thế nêu vấn đề.
Giải đáp những thắc mắc của ông Trần Văn Thế, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy cho rằng, trước đây không phải giá mà là phí. Phí chỉ là dự kiến, còn chính thức bao nhiêu phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định nên mới phải đàm phán. "Nếu đấu thầu, cuộc chơi là lời ăn lỗ chịu. Nhà đầu tư nào bỏ thầu giá hỗ trợ thấp nhất thì thắng thầu. Riêng với các dự án đường cao tốc này, không có chuyện đàm phán giá như với các dự án BOT vừa qua" - ông Huy khẳng định.
Về kiến nghị Nhà nước nên xem xét bảo lãnh doanh thu cho các nhà đầu tư, ông Huy nhấn mạnh, nhà đầu tư nước ngoài đều muốn Chính phủ bảo lãnh doanh thu. Nếu doanh thu sụt giảm dưới 80%, Nhà nước bù cho họ đủ 80%, họ chấp nhận lỗ. Nếu trên 20%, Nhà nước được chia sẻ phần lợi nhuận vượt trội. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay chưa cho phép cung cấp bảo lãnh đó nên nhà đầu tư cần cân nhắc khi tham gia đấu thầu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét