Chính phủ muốn sửa gấp nhiều luật ngay trong 2018
Các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch được Chính phủ dành sự ưu tiên...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký tờ trình của Chính phủ đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh chương trình 2018.
Theo đó có 13 dự án được đề nghị điều chỉnh, trong đó có một dự án Luật Công an xã được đề nghị rút.
Hai dự án luật được đề nghị lùi thời hạn trình là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
10 dự án, dự thảo Chính phủ muốn bổ sung vào chương trình năm 2018, bao gồm: 9 dự án luật, dự thảo nghị quyết liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch. 1 dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thay thế cho Luật Công an xã.
Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch mà có nội dung sửa đổi đơn giản.
Trong đó hai dự án cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) theo quy trình một kỳ họp. Gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng và Luật Đầu tư.
Hai dự án cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công an Nhân dân (sửa đổi).
Kỳ họp cuối năm 2018 cũng có tới 3 dự án luật được đề nghị cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp (rút gọn).
Gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thủy lợi, Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Giao thông đường bộ và Luật Đường sắt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thuỷ văn, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường.
Các luật được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm: Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường cho ý kiến tại phiên họp tháng 5/2018.
Sau khi điều chỉnh, số lượng dự án thuộc chương trình năm 2018 sẽ là 30, tăng 8 dự án so với chương trình đã được Quốc hội quyết định. Số lượng này theo Chính phủ thì vẫn có thể bảo đảm tính khả thi của chương trình.
Thời gian từ khi Chính phủ trình đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội không nhiều (chưa đến ba tháng). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương chuẩn bị nội dung các dự án luật Chính phủ muốn bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 23 (dự kiến khai mạc ngày 10/4/2018). Nếu các dự án đủ điều kiện sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời quyết định vừa bổ sung vào Chương trình, vừa thông qua dự án để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu hồ sơ các dự án luật theo đúng quy định tại điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là ngày 3/4/2018 và trước đó phải được gửi đến các Ủy ban hữu quan của Quốc hội để tổ chức thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét