Ô tô nhập thuế 0%: Giảm giá 23%, xe 1 tỷ sẽ chỉ còn 770 triệu đồng
Lô xe ô tô nhập khẩu hưởng thuế 0% có thể được giảm giá tới 23%, theo đó, chiếc xe 1 tỷ sẽ giảm giá chỉ còn 770 triệu đồng.
Vnexpress thông tin, nếu không tính tới những thay đổi trong chi phí của doanh nghiệp, giá xe nhập khẩu có thể giảm tới 23% khi thuế giảm từ 30% về 0%.
"Về lý thuyết, nếu thuế nhập khẩu giảm 30% về 0%, xe có thể giảm giá 23%", Vnexpress dẫn lời giám đốc bán hàng một hãng xe lớn tại Việt Nam cho biết. Nhưng đây chỉ là lý thuyết theo công thức tính toán con số, thực tế giá xe khó lòng giảm sâu như vậy.
Xe nhập khẩu là mặt hàng chịu nhiều loại thuế phí, trong đó khi bán ra cho khách hàng sẽ gồm các loại chính là thuế nhập khẩu (NK), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), giá trị gia tăng (VAT), chi phí bán hàng, vận chuyển, marketing, quản trị, lãi doanh nghiệp... Công thức giá bán ra thị trường cơ bản nhất là:
A x (1+%NK) x (1+%TTĐB) x (1+%VAT) x (1+% chi phí khác). Trong đó A là giá vốn về tới cảng.
Cùng một mẫu xe nhập khẩu, không có thay đổi trong trang bị và các mức thuế và chi phí khác không đổi, thì sự thay đổi thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến thay đổi giá theo tỷ lệ: giá mới/giá cũ = (1+%NK mới)/(1+%NK cũ).
Với xe từ ASEAN hưởng thuế năm 2018 là 0% so với 2017 mức 30% (không tính xe bán tải) thì giá mới/giá cũ = (1+0%)/(1+30%) = 77%.
Như vậy giá mới chỉ bằng 77% giá cũ, tương đương với giá xe giảm 23% sau khi thay đổi thuế. Giả sử xe nhập khẩu năm 2017 giá 1 tỷ thì đến 2018 sẽ chỉ còn 770 triệu.
Tuy nhiên, hầu hết các hãng xe cho biết đây chỉ là công thức dựa trên lý thuyết, thực tế sẽ khó giảm sâu đến như vậy.
Bên cạnh đó, Zing dẫn đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực ôtô thông tin, nếu Nghị định 116 và Thông tư 03 không được sửa thì giá xe ôtô nhập khẩu miễn thuế từ ASEAN về vẫn cao. Bởi lẽ, sau khi cập cảng, riêng việc thử nghiệm từng lô xe đã mất tới 2 tháng và tốn thêm khoản chi phí 10.000 USD.
Hơn nữa, nguyên tắc đánh thuế ôtô của Việt Nam là thuế chồng thuế, tức thuế mới sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng các thuế cũ. Thứ tự đánh thuế sẽ là thuế nhập khẩu, sau đó thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng là thuế GTGT.
Do đó, dù thuế nhập khẩu về 0% nhưng hãng sau đó còn phải cộng thêm chi phí ở khâu phân phối bao gồm chi phí vận chuyển nội địa, kho bãi, thêm trang bị cho xe, chi phí tài chính, duy trì hệ thống bộ máy đơn vị nhập khẩu, marketing, bảo hành, dự phòng rủi ro, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng lợi nhuận hãng.
Tất cả các khoản đó khiến ôtô bán ở Việt Nam luôn có giá cao ngất ngưởng so với các thị trường khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét