Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018


Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, nhiều công ty trong ngành bán lẻ và thực phẩm của nước này đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam do tình hình căng thẳng trong quan hệ ngoại giao khiến thị trường số 1 thế giới trở nên khó hoạt động hơn.


Ảnh chỉ mang tính minh họa



Sau khi Hàn Quốc bất chấp lời cảnh báo của chính quyền Bắc Kinh khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trước nguy cơ tên lửa từ Bắc Triều Tiên, Trung Quốc đã áp đặt hàng loạt lệnh cấm lên các sản phẩm, văn hóa phẩm hay du khách từ xứ sở kimchi.


Tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Lotte đã phải đàm phán bán lại chuỗi bán lẻ cao cấp của mình ở Trung Quốc sau khi công ty chịu thua lỗ lớn trong kinh doanh tại đây và chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ hồi phục.

Hãng Lotte chỉ là một trong những nạn nhân mới nhất của Trung Quốc bởi công ty này đã ký kết các thỏa thuận đổi đất với chính phủ Hàn Quốc, qua đó biến những khu đất chơi golf thành các bãi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.


Hầu hết trong số 99 trung tâm bán lẻ của Lotte Mart ở Trung Quốc đã bị đóng cửa hơn 1 năm do sự can thiệp từ nhiều phía, khiến tập đoàn này thiệt hại khoảng 1,2 nghìn tỷ Won (1,1 tỷ USD) doanh số.

Chính bởi nguyên nhân này, Lotte đang có kế hoạch nâng số cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam từ 13 hiện nay lên 87 vào cuối năm 2020. Doanh số của Lotte tại thị trường Việt Nam đã tăng mạnh từ 62 tỷ Won năm 2011 lên 266 tỷ Won năm 2017. Chuỗi Lotte Mart đổ bộ lần đầu vào thị trường Việt Nam từ năm 2008.

Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã nhất trí về việc thúc đẩy giao dịch thương mại giữa 2 nước lên 100 tỷ USD vào năm 2020.

Năm 2017, Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mỹ. Nhờ Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) chính thức có hiệu lực từ năm 2015, lượng hàng hóa xuất khẩu từ Hàn Quốc sang thị trường Đông Nam Á đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Tỷ trong hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc của Việt Nam đã tăng từ 8,5% năm 2007 lên mức kỷ lục 22,1% năm 2017.



Hàng loạt tập đoàn Hàn Quốc quan tâm đến thị trường Việt Nam

Tập đoàn Lotte đã đầu tư các chuỗi bán lẻ, khách sạn và rạp chiếu phim ở Việt Nam từ năm 1998. Dự án Eco Mart City trị giá 2 nghìn tỷ Won tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) của hãng sẽ được hoàn thành vào năm 2021 với 100.000 m2 với đầy đủ trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, khách sạn, văn phòng…

Hiện Lotte cũng đang có kế hoạch đầu tư 330 tỷ Won nhằm xây dựng một trung tâm thương mại 73.000m2 tại Hà Nội vào năm 2020.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng giảm giá lớn nhất Hàn Quốc là Emart cũng đang lên kế hoạch xây nhiều chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp này đã bán toàn bộ cửa hàng ở Trung Quốc vào năm 2017 và đang vận hành khá thành công một cửa hàng ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015.

Doanh số của Emart tại TP.HCM đã tăng từ 41,9 tỷ Won năm 2016 lên 52 tỷ Won năm 2017. Theo công ty, nhờ sự phổ biến của văn hóa Hàn Quốc mà các sản phẩm của nước này bán khá chạy tại Việt Nam.



Emart tại TP.HCM

Không chịu kém cạnh, tập đoàn CJ Group của Hàn cũng đang tích cực mở rộng kinh doanh ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Hãng CJ Cheiljedang đã mua lại vài công ty thực phẩm ở Việt Nam và kỳ vọng sẽ đạt doanh số 700 tỷ Won tại đây vào năm 2020. Doanh nghiệp này cũng đã đầu tư 70 tỷ Won để xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm ở TP.HCM, chủ yếu sản xuất các mặt hàng ẩm thực Hàn Quốc.

Ngoài ra, các công ty con như CJ Foodville, CJ Freshway cũng đang tích cực mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

"Chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng cơ hội kinh doanh ở Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều đầu tư từ Hàn Quốc. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hơn 6% trong những năm gần đây, cùng với một thị trường tiêu dùng trẻ có tuổi bình quân là 30 kèm với sự mở rộng của văn hóa Hàn, đây là một thị trường đầy cơ hội", một nguồn tin trong ngành của tờ Yonhap nói.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét