Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018


Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số lão hóa nhanh nhất thế giới. Số người già tại đây là vô cùng nhiều nhưng đi kèm với đó là sức khỏe đáng ngạc nhiên của những người cao tuổi. Vậy điều gì đã làm nên sự dẻo dai cho những người già Nhật Bản?






Ngoài hệ thống y tế chất lượng cao, có lẽ câu chuyện về bài thể dục phát thanh Radio Taiso (hay còn gọi là Raijo Taiso) là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người cao tuổi Nhật sống thọ và khỏe đến như vậy.


Hàng ngày, đài phát thanh NHK sẽ phát sóng chương trình hướng dẫn tập thể dục nhẹ nhàng trên nền nhạc piano thân thiện, tạo cảm giác thoải mái cho người nghe. Bài thể dục này bao gồm những động tác đơn giản nhằm cải thiện sức khỏe người dân. Thông thường bài thể dục có 3 phần tập dành cho người trẻ tuổi, cao tuổi hoặc tàn tật không thể đứng và cuối cùng là cho tất cả người dân và NHK thường phát loại thứ 3.

Một khảo sát mới đây cho thấy ít nhất 20% dân số Nhật Bản tập thể dục theo Radio Taiso như một hoạt động thường ngày. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến người cao tuổi Nhật gầy nhưng dẻo dai hơn các nước Phương Tây.



Phát minh nhờ công ty bảo hiểm

Hiện vẫn chưa rõ ai là người đưa Radio Taiso về Nhật Bản, nhưng các chuyên gia lịch sử đều chắc chắn rằng khởi nguyên của phong trào tập thể dục phát thanh bắt nguồn từ thập niên 1920 tại Mỹ.

Ban đầu, công ty bảo hiểm Metropolitan Insurance cho ra ý tưởng phát thanh bài thể dục trong 15 phút để nâng cao sức khỏe cộng đồng, qua đó giảm tỷ lệ tử vong cho những người mua sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, văn hóa sống nhanh với thức ăn rác đã khiến ý tưởng này phá sản.

Mặc dù vậy, ý tưởng này lại được Bộ Giao thông vận tải Nhật cùng vài công ty bảo hiểm ở đây chú ý. Tại thời điểm đó, tuổi thọ bình quân của Nhật chỉ vào khoảng 40 tuổi và ý tưởng về một bài thể dục phát thanh nâng cao sức khỏe thực sự thu hút đối với người dân Nhật.

Sau khi phát sóng lần đầu vào năm 1928 cùng thời điểm lên ngôi của Thiên hoàng Showa, Radio Taiso đã tạo nên cơn sốt với hàng triệu người theo tập mỗi buổi sáng trên khắp đất nước.



Mỗi phần của Radio Taiso chỉ hơn chục động tác với tác dụng tăng tuần hoàn máu cũng như cải thiện sự linh hoạt. Người dân có thể tập chúng ở bất kỳ nơi nào với không gian đủ lớn với một chiếc tivi hay radio.

Trong chiến tranh thế giới thứ II, Radio Taiso được duy trì để nâng cao sức khỏe người dân cũng như binh lính, chúng được phổ biến ra nhiều nước Châu Á khi quân Nhật xâm chiếm các quốc gia khác. Tuy vậy đến năm 1946 Radio Taiso bị cấm khi quân Nhật đầu hàng quân đồng mình với lý do quá mạnh bạo.

Phải đến thập niên 1950 khi nền kinh tế Nhật dần phục hồi sau chiến tranh, phong trào tập Radio Taiso mới được khôi phục lại và liên tục được cải tiến nhằm phù hợp với thể trạng người dân. Do sự bùng nổ của đài truyền hình mà Radio Taiso một lần nữa trở thành cơn sốt trong người dân toàn quốc.






Dẫu vậy, phong trào này cũng qua thời kỳ hoàng kim với sự xâm chiếm của văn hóa Phương Tây và nhiều loại hình giải trí khác. Hiện nay chỉ một bộ phận người cao tuổi, sinh viên trẻ là còn tập Radio Taiso hàng ngày trong khi phần lớn chỉ tập theo mùa hoặc ngắt quãng. Tại một số vùng quê Nhật Bản, người ta vẫn thấy hình ảnh toàn dân làng tập thể dục theo Radio Taiso vào buổi sáng nhưng thói quen này đang dần mai một.


Ngày nay, chỉ khoảng 20% dân số Nhật Bản, tương đương khoảng 28 triệu người là vẫn tiếp tục tập Radio Taiso hàng ngày.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét