Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018


Chênh lệch giá giữa E5 và A95 thấp nên đơn vị bán hàng không quan tâm kinh doanh xăng E5.






Việc bán đại trà xăng sinh học E5 thay thế xăng A92 trên toàn quốc được thực hiện từ hai tháng qua theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay rất nhiều cây xăng vẫn chưa bán xăng sinh học. Thậm chí có doanh nghiệp muốn ngừng bán xăng E5, “hồi sinh” xăng A92.

Vì sao có tình trạng này? Cần làm gì để người dân không thờ ơ, nhà kinh doanh không quay lưng với xăng sinh học E5?

Không thích bán xăng E5 vì ế, lời thấp

Khảo sát thực tế các cây xăng trên địa bàn TP.HCM cho thấy sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 sản lượng tiêu thụ A95.

“Những người đi ô tô, xe máy tay ga hiện nay chủ yếu mua xăng A95 dù loại xăng này đắt hơn xăng sinh học E5 khá nhiều. Nhiều chủ phương tiện vẫn hoài nghi chất lượng xăng E5, lo ngại xăng E5 làm hỏng máy nên không dám mua” - anh Lý, một nhân viên cây xăng tại quận Tân Bình, TP.HCM, nói.

Anh Minh Phương, chủ một cửa hàng xăng tư nhân ở Củ Chi, TP.HCM, cho biết thêm hiện nay cửa hàng vẫn chưa bán xăng sinh học E5 mà chỉ bán xăng A95 với hai vòi bơm. “Do ít người mua xăng sinh học nên tôi không đầu tư thêm trụ bơm xăng E5. Bởi nếu đầu tư nhiều vòi bơm xăng E5 mà bán ế ẩm sẽ rất lãng phí” - anh Phương chia sẻ.

Tương tự, ông Ninh, chủ một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, cho hay: Hiện nay mỗi ngày cửa hàng bán ra khoảng 4.000 lít xăng E5, trong khi lượng xăng A95 bán ra lên tới 20.000 lít/ngày. Những người đổ xăng E5 chủ yếu là giới chạy Grab, taxi, xe ôm… vì loại xăng này rẻ hơn xăng A95.

Ông Ninh giải thích: “Xăng E5 vẫn chưa được tiêu thụ mạnh do nhiều người chưa quen với loại xăng mới. Quan trọng hơn là mức chiết khấu cho đại lý giữa xăng E5 và A95 bằng nhau (1.000 đồng/lít) nên nhân viên cây xăng không mặn mà mời chào, tư vấn cho người mua”.



Tỉ lệ sử dụng xăng sinh học E5 đến nay thấp, mới đạt khoảng 30% so với tổng lượng xăng bán ra. Ảnh: Tú Uyên

Xăng sinh học “núp lùm”

Bên cạnh việc không bán xăng sinh học, khảo sát thực tế chúng tôi còn nhận thấy: Ở nhiều cửa hàng dù có bán xăng sinh học nhưng các trụ bơm E5 đặt ở vị trí rất khó quan sát, không thuận tiện để người dân ghé vào đổ xăng. Bởi thế nhiều người ví von xăng sinh học E5 “núp lùm”. Ngược lại, các trụ bơm xăng A95 thường đặt ở vị trí đẹp, mặt tiền, rất thuận lợi cho người đổ xăng.

Đó là chưa kể tại một số cây xăng dù có hàng chục trụ bơm xăng nhưng chỉ có một trụ đổ xăng sinh học E5, khiến người mua phải đợi rất lâu mới được đổ nên nản lòng. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ xăng E5 ít.

Phân tích thêm về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành xăng dầu cho rằng trước đây khi còn bán xăng A92, các nhà kinh doanh xăng dầu muốn mua từ đơn vị đầu mối nào cũng được. Bây giờ khai tử xăng A92, chuyển bán qua xăng E5 chỉ có vài “ông lớn” đầu tư trạm phối trộn xăng sinh học. Điều này có nghĩa đầu vào của họ không được tự do thoải mái như trước nên không thích bán E5.

“Chuyện bán xăng E5 không được có thể không phải do bản thân E5 có vấn đề hay chủ trương của Chính phủ không đúng. Nguyên nhân chính là với người bán xăng, lợi ích không đảm bảo thì họ không bán hoặc chỉ bán kiểu đối phó” - vị chuyên gia này nói thẳng.


Sở Công Thương TP.HCM cũng từng cho biết có một số công ty có văn bản đề nghị tạm ngưng kinh doanh xăng E5 vì sản lượng bán ra rất thấp, mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết để người tiêu dùng quen dần sử dụng xăng E5, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với Sở TT&TT đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng xăng sinh học E5; tăng cường tổ chức các hội thảo khoa học nhằm khẳng định, công bố chất lượng xăng sinh học E5 của các cơ quan chuyên môn… để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.


Tháo gỡ bất hợp lý

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay đã triển khai bán ra xăng E5 từ cuối năm 2017. Đến nay lượng xăng E5 bán ra đạt mức bình quân khoảng 170.000 m3/tháng. Tuy nhiên, lượng bán E5 còn chậm và có xu hướng giảm. Dù vậy, đại diện tập đoàn này khẳng định sử dụng xăng E5 có nhiều cái lợi cho môi trường như giảm ô nhiễm khí thải, giá xăng E5 lại rẻ hơn A95 khoảng 1.500-1.600 đồng/lít… nên cần kiên trì thực hiện chủ trương bán xăng sinh học.

Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) nhận thấy việc sử dụng quỹ bình ổn để tạo chênh lệch giữa xăng E5 và A95 là không phù hợp và không công bằng đối với các đơn vị đầu mối tiêu thụ xăng E5.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, khi bán ra 1 lít xăng E5, công ty đầu mối phải trích ra trong quỹ bình ổn 857 đồng/lít để bù đắp một phần lỗ do chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng E5. Như vậy, đối với các đầu mối tiêu thụ mạnh mặt hàng xăng E5, quỹ bình ổn của công ty đầu mối đó sẽ giảm đáng kể, trong khi các đơn vị đầu mối không có xăng E5 thì quỹ bình ổn vẫn được đảm bảo.

Điều này sẽ không khuyến khích các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng E5 và đi ngược với chủ trương của Chính phủ là phát triển mặt hàng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường.

“Nhằm mục đích vừa tạo sự công bằng cho đơn vị kinh doanh nhiều và ít xăng E5, vừa để đẩy mạnh xăng E5 ra thị trường, không nên dùng quỹ bình ổn để tạo khoảng cách giá mà nên dùng chênh lệch về thuế bảo vệ môi trường để tạo khoảng cách giữa xăng E5 và xăng A95” - Saigon Petro đề xuất.

Một số đơn vị đầu mối phối trộn xăng E5 than thở bị lỗ vì gần đây giá ethanol (để pha chế xăng sinh học) tăng cao. Ông Vũ Kiên Chỉnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, giải thích giá ethanol tăng không phải bởi độc quyền mà chủ yếu do giá nguyên liệu sắn tăng cao. Cụ thể, trong ba tháng qua, giá sắn đã tăng lên 2.000 đồng/kg. “Để giải quyết một phần vấn đề này, Chính phủ đã điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ethanol từ 20% xuống 17% để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà pha chế E5 nhập khẩu ethanol khi cần thiết” - ông Chỉnh cho biết thêm.


Kiến nghị giảm thuế với xăng E5

Mới đây, Saigon Petro đã gửi đề xuất lên Bộ Tài chính, Công Thương giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 thêm 500 đồng/lít hoặc không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỉ lệ ethanol như hiện nay. Mục tiêu của đề xuất này nhằm tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và A95 vào khoảng 2.000-2.500 đồng/lít để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn. Trong trường hợp nếu dùng mọi biện pháp mà lượng tiêu thụ xăng E5 vẫn thấp thì cho các doanh nghiệp bán lại xăng A92.



Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, nếu mục đích của đề xuất này là muốn giãn chênh lệch giá xăng E5 và A95 thì thuế tiêu thụ đặc biệt đã làm điều này rồi. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng E5 chỉ là 8%, E10 là 7% trong khi xăng khoáng A95 là 10%. Vì vậy, việc đề xuất điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 và A95 là không phù hợp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét