Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018


Dù không phải lĩnh vực chính nhưng cả Hòa Phát và Thaco, hai doanh nghiệp tư nhân giúp ông Trần Đình Long và ông Trần Bá Dương vào danh sách của Forbes năm nay, đều ít nhiều có liên quan đến bất động sản.





Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018. Theo đó, Việt Nam năm nay có 4 đại diện sở hữu tài sản tỷ USD. Ngoài Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng và CEO VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo đã có mặt trong danh sách từ trước, năm nay Việt Nam được bổ sung thêm hai nhân vật mới là Chủ tịch Hòa Phát - Trần Đình Long và Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương.

Đây là năm thứ 6 liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này, với tài sản 4,3 tỷ USD, đứng thứ 499 thế giới, tăng 1,9 tỷ USD so với năm ngoái. Với bà Thảo, đây là lần thứ 2 bà góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới, với tài sản 3,1 tỷ USD, đứng thứ 766. Trong khi ông Dương và ông Long là hai tỷ phú mới của Việt Nam năm nay với tài sản lần lượt 1,8 tỷ USD và 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.339 và 1.756 thế giới.

Mỗi tỷ phú năm nay của Forbes đều gắn liền với những tập đoàn tư nhân lớn, đó là Vingroup, Vietjet – Sovico, Hòa Phát hay Trường Hải (Thaco). Tuy nhiên, điểm chung dễ thấy nhất của những cái tên này đều ít nhiều có liên quan đến bất động sản.

Hai tỷ phú vừa được Forbes công nhận năm nay là Trần Bá Dương và Trần Đình Long, hai vị tỷ phú hiếm hoi đi lên từ sản xuất công nghiệp. Dù không giữ tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu – lợi nhuận, song cả Thaco và Hòa Phát, hai tập đoàn giúp ông Dương và ông Long có tên trong danh sách của Forbes năm nay, đều có liên quan đến bất động sản.

Khởi đầu với một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt lấn sân sang nhiều lĩnh vực, từ nội thất, ống thép, thép, điện lạnh và năm 2001 bất động sản trở thành mảng kinh doanh thứ 5 của tập đoàn này.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hoà Phát – thành viên thứ 5 của Tập đoàn Hoà Phát- được thành lập ngày 28/09/2001 tại Hà Nội là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư - xây dựng hạ tầng kỹ thuật các Khu công nghiệp, đầu tư và kinh doanh bất động sản và xây dựng công trình dân dụng. Tòa nhà Hòa Phát Giải Phóng tọa lạc tại địa chỉ 257 đường Giải Phóng, Hà Nội là dự án ghi dấu đầu tiên của Hòa Phát trong mảng hoạt động này, tiếp sau đó lần lượt là các dự án Madarin. Tuy nhiên, so với Thép, mảng hoạt động này gần như chỉ mang tính "thêm mắm thêm muối".



Dự án Mandarin Garden của Hòa Phát tại Hà Nội

Trong quý gần nhất, doanh thu từ bán và cho thuê bất động sản của Hòa Phát chỉ khoảng 220 tỷ đồng, vẫn còn khiêm tốn so với quy mô tổng doanh thu gần 13.000 tỷ đồng.

Tương tự như Hòa Phát, Thaco do ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT cũng mới nhăm nhe tiến vào lĩnh vực bất động sản khi thâu tóm CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh - chủ đầu tư của dự án khu đô thị Sala nằm tại vị trí đắc địa của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh – cuối năm 2016.

Trong báo cáo kiểm toán bán niên 2017, kinh doanh bất động sản đem về cho Thaco hơn 1.645 tỷ đồng doanh thu và 443 tỷ lợi nhuận. Tuy nhiên con số này chỉ bằng 1/10 so với mảng hoạt động sản xuất và lắp ráp xe ôtô cùng giai đoạn.



Phối cảnh dự án Sala Thủ Thiêm

Còn với hai vị tỷ phú đã góp mặt trong danh sách của Forbes, những tập đoàn gắn liền với ông Vượng và bà Thảo đều là những cái tên lớn trong lĩnh vực phát triển bất động sản.

Đứng đầu trong danh sách và cũng là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Không càn bàn nhiều về doanh nghiệp tư nhân này khi Vingroup vốn đã là cái tên đứng đầu trong danh sách VNR500 của Vietnam Report năm nay. Tiền thân là Tập đoàn Technocom, được thành lập tại Ukraina năm 199, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thực phẩm với thương hiệu Mivina. Từ năm 2000, Technocom - Vingroup trở về Việt Nam với định hướng chính trong lĩnh vực bất động sản – nghỉ dưỡng.

Điệp khúc Xây dựng, bán, xây dựng tiếp đã tạo nên sự thành công của Vingroup trong 17 năm từ ngày đầu trở lại Việt Nam. Năm 2017, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất hơn 90.000 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2016, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8.900 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực bất động sản đóng góp hơn 62.000 tỷ đồng doanh thu và 17.400 tỷ lợi nhuận.

Còn với bà Thảo, ngoài Vietjet hay HDBank, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam còn biết đến với vai trò là cổ đông chính của Sovico Holdings. Sovico Holdings hiện cũng là chủ sở hữu Khách sạn năm sao Furama Resort Đà Nẵng, Dự án khu đô thị cao cấp 65 ha Phú Long tại Nam Sài Gòn, Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp tại Phú Quốc, Dự án dự án Furama villas quy mô 27ha tại Đà Nẵng và nhiều dự án bất động sản ở các vị trí chiến lược đắc địa khác…



Phối cảnh dự án Dragon City của Địa ốc Phú Long

Công ty Địa ốc Phú Long – doanh nghiệp phát triển các dự án BĐS lớn tại TP.HCM và là thành viên tập đoàn Sovico Holdings, mới đây đã thâu tóm toàn bộ 50% cổ phần tại dự án Splendora từ Công ty xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc). Theo đó Sovico Holdings trở thành cổ đông ngang hàng với Vinaconex tại dự án này. Trước khi mua lại số cổ phần này, Phú Long đã tăng vốn liên tiếp từ tháng 12/2017 từ 700 tỷ lên 2.300 tỷ đồng, sau đó tăng lên 3.000 tỷ đồng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét