Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam và gây tranh cãi khi tự định giá cao kỷ lục: 8 triệu USD cho 20% cổ phần. Đằng sau hậu trường, còn rất nhiều câu chuyện về thương hiệu bún Nguyễn Bính mà ít người biết đến.
Bún Nguyễn Bính từng bị phá sản hai lần: một lần vì bún không hóa chất, khó cạnh tranh được với bún thông thường và một lần không may vì động đất. Vượt qua những lần khó khăn đó, bà Nguyễn Thị Bính (Giám đốc CTCP bún Nguyễn Bính) vẫn quyết tâm gây dựng lại cơ nghiệp.
16 tuổi, thân gái mang hơn 50.000 đồng vào Sài Gòn lập nghiệp
Sinh ra và lớn lên tại Hà Tây, gia đình bà Bính vốn có nghề truyền thống làm bún đã nhiều đời. Bà kể, khi còn bé xíu bà đã phải dậy làm bún phụ gia đình, đến lớp vừa đi học vừa ngủ. Vì công việc làm bún thủ công rất vất vả nên bà ... sợ luôn nghề làm bún.
Năm 16 tuổi, bà Bính rời quê hương vào TPHCM để lập nghiệp, trong tay chỉ có hơn 50.000 đồng. Tại đây, bà trải qua đủ nghề: từ cơ khí, trang điểm đến bán thịt lợn…. "Nhưng rốt cuộc lại quay trở về với nghề làm bún. Mình nghĩ Đây là cái nghiệp mình phải gắn bó", bà Bính kể. Đó là hồi cuối năm 1999.
"Từ 100 triệu tôi mở lò bún nhỏ ở Tân Bình, sản xuất bún không hóa chất. Tôi bước chân vào nghề và phá sản ngay sau đó, vì làm đúng kiểu thủ công, bún sạch. Sản phẩm không có hóa chất nhanh hư hơn, màu tối hơn, không bắt mắt nên tôi nhanh chóng bị…sạt nghiệp", bà Nguyễn Thị Bính, chia sẻ trên chương trình Café Khởi nghiệp.
Khởi nghiệp chưa đầy 1 năm, bà phá sản, trắng tay hoàn toàn. Bà Bính lại bỏ ra 6 triệu đồng, tự làm, tự bán, quảng cáo sản phẩm, gây dựng cơ nghiệp với tên bún Thủ Đức Nguyễn Bính. Tiếp đó bà áp dụng công nghiệp hoá trong quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng không may đến 2006, thương hiệu bún Nguyễn Bính phá sản lần 2 sau một trận động đất.
Không bỏ cuộc, nữ doanh nhân sinh năm 1970 này lại quyết tâm đứng lên gây dựng lại cơ nghiệp. Là một người phụ nữ, ít ai biết bà Bính từng được đào tạo ngành cơ khí và thiết kế chi tiết máy. Đó cũng là một trong những động lực, để Bà Bính nuôi ý tưởng công nghiệp hóa, tự động hóa một ngành nghề truyền thống như như ngành sản xuất bún.
Cơ sở sản xuất bún của bà Nguyễn Bính
Chiêu marketing khôn ngoan: Bỏ lẫn bún có thương hiệu với bún giao sỉ, để người dùng ăn quen tự tìm đến
Giải quyết được khâu sản xuất, bà Bính lại gặp khó khăn khi đưa thương hiệu bún của mình ra thị trường. Đó là khi các sạp bún ở ngoài chợ từ chối bán bún theo một thương hiệu nhất định, hoặc đòi gỡ bỏ bao bì. Cuối cùng, bà chỉ có thể in tên Nguyễn Bính lên bao bì mà không dám để địa chỉ hay số điện thoại liên lạc.
Để thương hiệu được biết tới, Bà Bính còn nghĩ ra một cách: khi giao bún sỉ, trong 10 kg bún, thì bà không lấy đủ mà luôn bỏ kèm thêm vài bịch bún gói có đầy đủ bao bì, thương hiệu của mình. Bà thường lấy lý do hết hàng, phải bỏ kèm cho đủ.
Khi khách hàng ăn quen bún đóng gói, sau họ sẽ đi tìm.
Cứ như vậy, thương hiệu bún Nguyễn Bính dần dần len lỏi vào thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng, cung không đủ cầu.
Việc công việc thuận lợi, bà Bính hoàn thiện dần quy trình sản xất tự động hóa của mình, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nguyễn Bính thành lập từ 2004, bà Bính tự tin Nguyễn Bính đứng đầu quốc gia Việt Nam hiện nay về ngành nghề truyền thống bún và phở.
Biết thương hiệu bún Nguyễn Bính uy tín, một số nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, muốn mua cổ phần bún Nguyễn Bính. Trong đó, có doanh nghiệp Thái Lan từng định giá công ty của bà Bính 100 tỷ đồng, nhưng thấy rủi ro doanh nghiệp bị thâu tóm, bà Bính cẩn trọng từ chối không chỉ đối tác này mà còn thêm một số đối tác khác.
Tuy vậy, mong ước mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm của bà Bính vẫn chưa dừng lại.
Trong chương trình Café khởi nghiệp, Bà Bính chia sẻ về dự định của bún Nguyễn Bính: xây dựng được nhà máy sản xuất bún theo quy chuẩn quốc tế châu Âu, tạo ra công thức bột gạo có khả năng xuất khẩu trên thế giới, và hướng tới sản phẩm bún Organic.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét