Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng cà phê tại Việt Nam trong vụ mùa 2018 – 2019 sẽ đạt kỷ lục 29,9 triệu bao, tăng 2% so với vụ mùa năm 2017 - 2018.




Vụ mùa hiện tại, những người trồng cà phê của Việt Nam đang kỳ vọng vào năng suất cao. Thông tin này có thể giúp cho những người yêu cà phê Việt Nam cảm thấy hài lòng, tuy nhiên cùng lúc đó lợi nhuận thu về của những người nông dân trồng cà phê vốn đã có cuộc sống khó khăn lại thấp đi, theo một bài báo mới đây được Financial Times đăng tải.


Theo tìm hiểu của Financial Times tại Đak Lak - tỉnh trồng cà phê lớn nhất tại Việt Nam, những người nông dân trồng cà phê và nhà kinh doanh cà phê cho biết thời tiết năm nay thuận lợi cũng như chương trình canh tác mới giúp cho năng suất cà phê tăng.


Tuy nhiên, họ lo ngại rằng khi sản lượng lên cao kỷ lục, giá bán sẽ thấp đi. Cùng lúc, nhiều nước trồng cà phê lớn khác của thế giới cũng đang công bố năng suất cao hơn.


Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng cà phê tại Việt Nam trong vụ mùa 2018 – 2019 sẽ đạt kỷ lục 29,9 triệu bao, tăng 2% so với vụ mùa năm 2017 – 2018.


Phần lớn cà phê trồng ở Việt Nam là cà phê robusta, loại hạt cà phê đắng hay được sử dụng trong cà phê hòa tan. Sản lượng cà phê robusta của Việt Nam chiếm 40% tổng sản lượng của toàn cầu.


Cà phê đã được trồng ở Việt Nam từ hơn 100 năm trước. Khác với Brazil, nước xuất khẩu cà phê robusta lớn thứ 2 thế giới, phần lớn người trồng cà phê Việt Nam là những chủ nông trại nhỏ, không có điều kiện tiếp cận với vốn và công nghệ và hoàn toàn không có khả năng tác động đến giá cà phê vốn được chi phối bởi những nhà đầu tư kỳ hạn ở nước ngoài.


Khi mà giá cà phê giảm không ngừng, người trồng cà phê Việt Nam đã đa dạng thêm loại cây trồng. Nhiều người trồng thêm cây tiêu đen. Giá tiêu đen từng tăng vào đầu thập kỷ này, thế nhưng gần đây, giá tiêu đen đã giảm. Nhiều nông trại tiêu đen chịu tác động bởi sâu bệnh.


Gần đây, nhiều người nông dân trồng cà phê đã chuyển sang trồng sầu riêng, nhu cầu của người Trung Quốc với sầu riêng tăng cao. Ông Trần Đức Thọ, giám đốc công ty Duc Nguyen Cofexim, nhận xét: “Người nông dân đang chuyển sang nhiều loại cây trồng khác như tiêu, sầu riêng và bơ. Khi người nông dân nhận thấy họ không kiếm được tiền từ cà phê, họ bỏ trồng cà phê”.


Còn theo một quản lý tại công ty cà phê Phước An, lợi nhuận mà người nông dân thu được từ sầu riêng có thể cao gấp từ 8 đến 10 lần so với lợi nhuận thu được từ cà phê.


Còn chuyên gia phân tích cao cấp về thị trường hàng hóa tại Rabobank tại London, ông Carlos Mera, nhận xét: “Tôi nghĩ chúng ta đang tiến gần tới ngưỡng mà người nông dân không có đủ động lực để mở rộng sản xuất cà phê”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét