Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Trung Quốc tự hào về một thị trường nội địa mạnh, đủ sức đối phó với chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, đời không như là mơ!






Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng leo thang khi 2 bên liên tiếp áp đặt các khoản thuế với những mặt hàng xuất khẩu của nhau. Trong tình hình đó, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang sở hữu vũ khí thị trường nội địa, nơi đủ sức tiêu thụ lượng lớn hàng hóa vốn dành cho xuất khẩu của nước này.


Quan điểm này là có cơ sở khi Trung Quốc có tới 1,4 tỷ dân và trong năm 2016-2017, tiêu thụ hộ gia đình chiếm tới hơn 39% tổng GDP, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.


Tuy nhiên, tỷ lệ nợ gia tăng và sự bất ổn trong nền kinh tế đang khiến tầng lớp trung lưu Trung Quốc thắt chặt chi tiêu và chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn, nhất là khi tăng trưởng thu nhập chậm lại và nợ hộ gia đình nhiều hơn.


Số liệu cho thấy dù dư nợ vay hộ gia đình tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tháng 5/2018 lại giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua.



Người tiêu dùng Trung Quốc đang dần bi quan về nền kinh tế



Chào mừng đến văn hóa "hạ tầm tiêu dùng"


Trong nhiều năm, Trung Quốc đã nhắc tới khái niệm "nâng tầm tiêu dùng" (Consumption Upgrades) khi nền kinh tế bùng nổ và hơn 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu có thêm tiền để chi tiêu. Thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc biến đổi nhanh chóng, từ những đôi giày nhái cho đến hàng hiệu thứ thiệt, từ smartphone giả đến iPhone thật, từ những bịch trà tiện lợi cho đến một cốc cà phê giá 5 USD ở Starbucks…


Dẫu vậy, khi nền kinh tế giảm tốc và ẩn chứa nhiều bất ổn, nhất là trong tình hình căng thẳng chiến tranh thương mại leo thang, người tiêu dùng Trung Quốc đã từ bỏ hàng loạt thói quen xa xỉ trước đây của mình.


Trong khi thị trường chứng khoán mất điểm, đồng Nhân dân tệ mất giá, sự bất ổn trong thu nhập cùng nhiều yếu tố tiêu cực khác đã khiến người tiêu dùng trong nước mất niềm tin. Mặc dù đà tiêu thụ và văn hóa tiêu xài của người Trung Quốc khó mà dừng lại sau nhiều năm hưởng thụ nền kinh tế bùng nổ, nhưng rất nhiều tín hiệu cho thấy các khách hàng trong nước đang dần thắt chặt hầu bao của mình.


Từ bỏ những chuyến du lịch nước ngoài xa xỉ, đi xe đạp thay vì gọi taxi, uống bia thay vì rượu hạng sang, gọi trà sữa cỡ vừa thay vì cỡ lớn, từ bỏ các phòng tập gym xa xỉ để đến công viên luyện tập… là vô số các tín hiệu cho thấy lớp trẻ Trung Quốc ngày nay đang mất niềm tin vào nền kinh tế.


Thậm chí nhiều người còn nói vui rằng đã đến lúc ăn thịt thay cho đậu phụ bởi chiến tranh thương mại khiến đậu phụ nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Tuy vậy, dấu hiệu rõ ràng nhất có lẽ là việc ngày càng nhiều bạn trẻ từ chối có con khi vật giá leo thang và cuộc sống đắt đỏ hơn.



Người Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt hầu bao



Khái niệm "Hạ tầm tiêu dùng" (consumption Downgrades) đang dần lan rộng trong xã hội Trung Quốc khi rất nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội chia sẻ với tờ New York Times rằng họ đang phải thắt chặt hầu bao và thay đổi lối sống thế nào để tiết kiệm tiền.


Tồi tệ hơn, tác động này của thị trường nội địa Trung Quốc có thể ảnh hưởng ra toàn cầu khi người tiêu dùng nước này đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Trung Quốc giúp hàng loạt các tập đoàn lớn như Apple, GM, Volkswagen… cũng như nhiều công ty xuất khẩu nguyên vật liệu khác tiếp tục phát triển, qua đó ảnh hưởng đến hàng loạt nền kinh tế trên thế giới.


Hoãn sinh con để tiết kiệm tiền


Trên các bản báo cáo chính thức, kinh tế Trung Quốc có vẻ mạnh nhưng nếu nhìn kỹ, rất nhiều vết nứt đã lộ ra. Bán lẻ tăng trưởng chậm, thu nhập mảng kinh tế tư nhân giảm tốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008 trong khi thị trường chứng khoán đã mất giá khoảng 20%.


Mới đây, hãng thương mại điện tử lớn, đối thủ của Alibaba là JD.com đã báo cáo một kết quả kinh doanh đáng thất vọng và nhà đầu tư đang dõi theo báo cáo của Alibaba liệu có tiếp bước như vậy không.


Việc giá cả leo thang, chi phí sinh hoạt, giáo dục, nhà ở… đi lên đang khiến giới trẻ Trung Quốc hạn chế chi tiêu. Áp lực về chăm lo cho gia đình, mua nhà, lấy vợ sinh con… đổ dồn lên vai những người lao động chính trong nền kinh tế.



Thị trường bán lẻ nội địa Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất 15 năm qua



"Tôi làm việc như trâu mọi ngày để quên đi những rắc mình đang gặp phải", anh Wang Jiazhi, một kỹ sư 34 tuổi đang thuê nhà phải chu cấp cho bố mẹ ở quê hàng tháng quyết định không hẹn hò để tiết kiệm tiền cho biết.


Thậm chí ngay cả những người con 1 trong gia đình trung lưu, đối tượng thường được cho là có sự đảm bảo về an toàn tài chính cũng cảm thấy áp lực.


Cô Wu ZiaoQiong, người con 28 tuổi duy nhất trong gia đình bác sĩ tại tỉnh Hà Bắc cho biết dù được cha mẹ hỗ trợ nửa tiền mua nhà sau khi lấy chồng, cô vẫn quyết định không sinh con để tiết kiệm tiền trả nợ.


Tương tự, cô Chen Ying, một kỹ sư 33 tuổi làm việc ở Thượng Hải cũng đang dần thắt chặt chi tiêu của mình khi mất niềm tin vào nền kinh tế. Trước đây mức thu nhập của cô tăng trưởng 15-20% hàng năm nhưng hiện nay con số này chỉ vào khoảng 5% do kinh tế giảm tốc.


"Trong quá khứ chúng tôi có rất nhiều ước mơ xa vời. Giờ đây thì chúng tôi chẳng còn hy vọng nhiều", cô Ying cay đắng nói.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét