Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Trước trận tứ kết gặp U23 Việt Nam, HLV U23 Syria nhận định: "Có 3 cầu thủ Việt Nam cực kỳ xuất sắc mà chúng tôi phải kèm cặp". Còn ai ngoài Công Phượng, Quang Hải và Văn Quyết đây?





1. Rõ rồi, bởi chẳng cần phải chờ đến trận đấu này, bộ ba tấn công chính của U23 Việt Nam bị nhận diện. Đây cũng chính là 3 chân sút đóng góp mỗi người một bàn thắng trong trận ra quân trước U23 Pakistan.


Nếu như Công Phượng được biết từ những ngày U19, Quang Hải là đội trưởng U20 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn, và rực sáng trên đất Thường Châu hồi đầu năm, thì chẳng phải tự nhiên mà chiếc băng đội trưởng được HLV Park Hang-seo trao cho thủ lĩnh của CLB Hà Nội này.


Quang Hải chính là chân sút ghi bàn thắng chớp nhoáng ngay đầu trận để định đoạt số phận của U23 Nhật Bản ở trận đấu tranh ngôi đầu bảng. Công Phượng chính là người ghi bàn thắng cuối trận trước U23 Bahrain, đem về chiếc vé tứ kết lịch sử của bóng đá Việt Nam ở đấu trường Asiad. Còn Văn Quyết, đơn giản là màn trình diễn của anh xóa tan tất cả mọi chỉ trích trước thềm giải đấu.



Quang Hải và Công Phượng...



Dĩ nhiên, 4 chiến thắng của U23 Việt Nam ở Asiad 2018 đều ghi nhận công sức của toàn đội, từ thủ thành Bùi Tiến Dũng cho đến tiền đạo "lão tướng" Anh Đức, song vai trò quan trọng nhất được đặt lên vai của bộ ba tấn công Quang Hải - Văn Quyết - Công Phượng, bởi đơn giản, cả 4 trận đấu ấy, ông Park Hang-seo đều chọn cho U23 Việt Nam lối chơi tấn công.


Không khó nhận ra rằng có quá ít điểm tương đồng giữa U23 Việt Nam ở Asiad 2018 với U23 Việt Nam Á quân châu Á trên đất Thường Châu. Đấy là điều rõ ràng, bởi khi chọn hai lối chơi hoàn toàn khác nhau, HLV Park Hang-seo cũng khiến các học trò quen thuộc của mình thể hiện tinh thần và lối chơi hoàn toàn khác. Tinh thần quật cường, chiến binh dễ dàng thể hiện hơn nhiều trong lối chơi phòng ngự, trước đối thủ mạnh hơn.


Song trận đại chiến lần này, trước đối thủ vừa cao to, với lối chơi đầy sức mạnh, đồng thời đã nhận diện đủ bộ ba tấn công chủ chốt của U23 Việt Nam, đã đến lúc ông thầy người Hàn vận hành lại lối chơi từng đưa các học trò đến kỳ tích ngày nào, với "vũ khí bí mật" là cây "Phương Thiên họa kích" cực kỳ lợi hại, ẩn chứa sức sát thương cao, nhưng lại cực kỳ khó sử dụng.



...cùng Văn Quyết là những mũi nhọn quyết định trên hàng công của U23 Việt Nam.



2. Trong Tam quốc diễn nghĩa, Phương Thiên họa kích chính là vũ khí đặc trưng của Lã Bố - võ tướng được đánh giá "đệ nhất chiến thần" thời Tam Quốc. Người Trung Hoa có câu "Nhân trung Lã Bố, Mã trung Xích Thố" (người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố), để nói rằng Lã Phụng Tiên và con ngựa Xích Thố là hai cực phẩm đệ nhất chốn nhân gian.


Tương truyền rằng, cây Phương Thiên họa kích là thứ vũ khí cực kỳ lợi hại, có sức sát thương lớn, nhưng cũng là thứ vũ khí cực kỳ khó sử dụng, mà chỉ những người có sức mạnh như Lã Bố mới dám dùng.


Phương Thiên kích vốn là để chỉ cây trường kích đầu vuông, với phần đầu giống chữ "phương thiên" (井), tức chữ thiên vuông, với sức sát thương chính không nằm ở mũi nhọn ở đầu như cây bát xà mâu của Trương Phi, hay lực chém ở cạnh như cây Thanh long đao của Quan Vũ, mà nằm ở hai lưỡi sắc, có thể đâm, móc, chém. Có thế, mới đủ sức linh hoạt giúp Lã Bố một mình vẫn có thể ung dung địch cả ba anh em Lưu Quan Trương.





Hẳn rất nhiều người hâm mộ Việt Nam còn nhớ bàn thắng đầu tiên của U23 Việt Nam ở giải vô địch U23 châu Á hồi đầu năm. Từ đường chuyền dài từ phần sân nhà của trung về Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu nhận bóng ở biên, bứt tốc trước 2 cầu thủ Hàn Quốc trước khi kịp quan sát, chuyền sệt vào cho Quang Hải tung cú sút xuất thần bằng chân trái tung lưới U23 Hàn Quốc mở tỷ số.


Trận tứ kết gặp U23 Syria, với sự trở lại của Đình Trọng, Văn Hậu chắc hẳn sẽ được trả về cánh trái quen thuộc, và ở cánh đối diện là Văn Thanh. Nói cho nhanh, hai cầu thủ chạy cánh này sẽ hợp lại thành cây "Phương Thiên họa kích", giúp HLV Park Hang-seo giải quyết đối thủ khó chơi của U23 Việt Nam.


Thực ra, "phương thiên" - chữ thiên vuông trong "Phương Thiên họa kích", là cách người Trung Quốc dùng để tăng thêm phần hoành tráng cho thứ vũ khí này, bởi chữ 井 thực ra là chữ "tỉnh", có nghĩa là cái giếng trong Hán tự.



Văn Hậu...



Trận đấu này, chắc chắn khi U23 Việt Nam lại được vận hành theo thế trận phòng ngự, thì cả Văn Hậu lẫn Văn Thanh đều sẽ lùi rất sâu, tạo nên hàng phòng ngự với 5 hậu vệ, để hút hàng công của U23 Syria dâng lên, đồng thời bổ khuyết cho Xuân Trường và Đức Huy ở giữa sân. Và cái cách mà hai cầu thủ chạy cánh này lùi sâu sẽ tạo thành cái bẫy như miệng giếng sâu để dụ địch sa vào.


Chiều qua, trong cuộc trả lời cuối cùng trước trận đấu lớn với U23 Syria, ông Park Hang-seo nhận xét rằng các cầu thủ đối phương có xu hướng dâng cao ở cánh, tiền vệ cánh bó vào đẩy tiền vệ giữa lên đá rát, quây bắt, trong khi đó hậu vệ cánh sẽ dâng rất cao hỗ trợ. Với lối chơi ấy, "miệng giếng" mà Văn Thanh, Văn Hậu mở ra sẽ là yếu điểm quyết định thắng thua.


Rất có thể Công Phượng sẽ không ra sân ngay từ đầu. Rất có thể U23 Việt Nam sẽ có ít cơ hội tấn công hơn, như lối chơi từng đưa họ đến với kỳ tích Á quân châu Á, nhưng trước một đối thủ có điểm yếu là xoay trở chậm như U23 Syria, những pha băng lên từ biên của Văn Thanh và Văn Hậu sẽ cực kỳ nguy hiểm, bởi cả hai cầu thủ này đều sở hữu tốc độ và sự tự tin, cũng như khả năng quan sát rất cao.



...và Văn Thanh sẽ là hai "con bài tủ" của HLV Park Hang-seo trong cuộc đối đầu với U23 Syria.



Văn Hậu và Văn Thanh có thể sẽ không phải là những người thực hiện cú kết thúc cuối cùng, nhưng những đường chuyền "sát thủ" đến từ hai đôi chân này sẽ là tiền đề cho những nhát dao đâm xuyên hàng phòng ngự đối phương, đem về bàn thắng quý giá cho thầy trò HLV Park Hang-seo.


Sử cây Phương Thiên họa kích chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Tìm kiếm bàn thắng cho U23 Việt Nam từ những pha tấn công biên cũng chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhưng nếu làm được, HLV Park Hang-seo chẳng phải quá xứng đáng với ngôi vị "đệ nhất chiến thần" của bóng đá châu Á, như Lã Phụng Tiên từng được xưng tụng ngày xưa đó sao?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét