Thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng siêu dự án Hồ Núi Cốc
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, ngày 22/8/2018, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương - thành viên của Hội đồng thẩm định. Bà Trần Thu Hằng -Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.
Theo Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia lập (VIUP - Đơn vị tư vấn), việc triển khai lập Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớnđáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc với quy mô khách du lịch ước tính lên đến 4 triệu lượt người vào năm 2030; bảo tồn và phát huy các thế mạnh của khu vực Hồ Núi Cốc về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái rừng.
Toàn cảnh hồ Núi Cốc nhìn từ trên cao xuống.
Về định hướng quy hoạch không gian, xác định vùng không gian Hồ Núi Cốc là không gian chủ đạo để chọn hướng phát triển, tận dụng địa hình tự nhiên, giá trị cảnh quan, giá trị văn hóa để chọn các khu vực xây dựng hợp lý; tập trung bảo vệ và khai thác hiệu quả các khu vực có giá trị cảnh quan tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch, lựa chọn các khu vực có địa hình phù hợp để xây dựng các công trình cho Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc và khu đô thị dịch vụ, đảm bảo các quy định của pháp luật đất đai, không chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang mục đích khác.
Nhiệm vụ cũng nêu lên những vấn đề cần giải quyết trong đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc. Trong đó xác định Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc là khu du lịch sinh thái, quá trình khai thác các lợi thế của khu du lịch này phải chú ý đặc biệt tới bảo vệ môi trường, tái định cư, mật độ xây dựng để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ đa dạng sinh học vùng Hồ Núi Cốc.
Kết luận Hội nghị, bà Trần Thu Hằng đánh giá đơn vị tư vấn đã nghiêm túc triển khai lập Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Báo cáo thuyết minh tương đối đẩy đủ thông tin và chi tiết.
Bà Trần Thu Hằng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, cần nhấn mạnh quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc phải đảm bảo đa mục tiêu, đa tính chất, phát triển du lịch hài hòa với bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng phòng hộ, đồng thời bổ sung và làm rõ những yêu cầu về tổ chức không gian Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, trong đó chú ý các loại hình giao thông kết nối giữa các địa điểm trong Khu du lịch cũng như liên kết vùng; hoàn thiện dự thảo Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Dự án Hồ Núi Cốc được động thổ vào tháng 2/2016.
Siêu dự án Hồ Núi Cốc từng bất ngờ bị dừng đến sau năm 2020
Được biết, dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến ban đầu khoảng 15.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước vốn của Nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035.
Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ. Diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940 ha, trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha.
Dự kiến phân khu chức năng chính siêu dự án này gồm Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc. Ngoài ra còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch. Vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch. Vị trí 2 tại nút giao đường phía Tây với Tỉnh lộ 261.
Đặc biệt, tại siêu dự án Hồ Núi Cốc, Công ty Xuân Trường sẽ xây dựng xây dựng Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5 đến 10 nghìn người trong cùng một thời điểm tại.
Mô hình chùa Tháp sẽ được xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên sẽ là một Tháp phật giáo lớn nhất thế giới.
Theo kế hoạch, Dự án Hồ Núi Cốc được động thổ vào tháng 2/2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãng cảnh, bái phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026)…
Tuy nhiên, 2 năm sau ngày khởi công tháng 1/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Văn bản số 246-KL/TU về việc thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc. Theo đó, cho phép thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020.
Nguyên nhân bị dừng là do sau 2 năm kể từ khi dự án Hồ Núi Cốc được triển khai đã có khoảng gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách đã được chi cho công tác GPMB. Tuy vậy, đếnđầu năm 2018 "siêu dự án" nhóm A này vẫn chưa được phê duyệt theo quy định, trình tự thủ tục phải xin ý kiến Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn, quy mô đầu tư vẫn chưa được thực hiện xong các văn bản pháp lý liên quan.
Để các mục tiêu của dự án phù hợp với thực tế, tháng 10/2017 HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh giảm quy mô, nguồn vốn xây dựng của dự án từ 9.980 tỷ đồng xuống còn 6.838,3 tỷ đồng, trong đó đề xuất vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%, còn lại là ngân sách địa phương; chuyển 3 hạng mục dự án ra khỏi danh mục đầu tư của dự án; đồng thời nhất trí chủ trương đầu tư các hạng mục này theo hình thức đối tác công tư (PPP) - Hợp đồng BT..
Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 nguồn vốn ngân sách tỉnh Thái Nguyên đã được HĐND tỉnh thông qua và phân bổ nguồn vốn được giao tại Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 17/5/2017 (chưa cân đối được vốn cho Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc).
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo xin ý kiến và ngày 15/1/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Văn bản số 246-KL/TU cho phép thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét