Ngành công nghiệp smartphone là trụ cột chính của thị trường điện tử tiêu dùng trong thập kỷ qua. Theo IDC, từ 151,4 triệu chiếc trong năm 2008, lượng smartphone xuất xưởng hàng năm đã tăng lên mức 1.465 tỷ chiếc trong năm ngoái.
Tuy nhiên, cũng trong năm ngoái, lượng smartphone xuất xưởng lần đầu tiên sụt giảm so với một năm trước, giảm 0,3%. Đáng lo ngại hơn, số smartphone xuất xưởng trong năm nay cũng tiếp tục giảm. Trong quý đầu tiên của năm, lượng smartphone xuất xưởng trên toàn thế giới giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 1,8% trong quý tiếp theo. Dự tính trong cả năm, lượng smartphone xuất xưởng sẽ giảm nhiều hơn nữa.
So với năm ngoái, Apple, hãng smartphone có lợi nhuận cao nhất thế giới, chỉ xuất xưởng được thêm 1% iPhone trong quý kết thúc vào tháng Sáu. Vị trí thứ hai trên thị trường smartphone toàn cầu của Apple cũng bị Huawei chiếm mất. Kết quả là, doanh thu của các đối tác cung cấp linh kiện, lắp ráp iPhone chính như Foxconn và Pegatron cũng bị ảnh hưởng. Mỗi năm, Foxconn và Pegatron lắp ráp hơn 200 triệu chiếc iPhone.
Trong quý trước, lợi nhuận của Foxconn đạt 517 triệu USD, giảm tới 36,52% so với năm ngoái. Biên lợi nhuận của hãng này chỉ còn 1,47%, giảm 1,24%. Lợi nhuận của Pegatron thậm chí còn tệ hơn, giảm 62,7% trong khi biên lợi nhuận chỉ còn 0,60%, giảm 1,2%.
FIH Mobile, công ty con chuyên sản xuất smartphone Android của Foxconn, cũng chịu lỗ trong đầu năm nay với biên lợi nhuận giảm từ -4% xuống -5,2%. Biên lợi nhuận của Inventec, công ty sản xuất smartphone cho Xiaomi, giảm xuống còn 1,7%, mất 0,2% trong quý từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Các hãng cung cấp linh kiện khác cũng bị ảnh hưởng khi mà thị trường ngày càng thu hẹp và mức độ cạnh tranh ngày càng tăng. Biên lợi nhuận của hãng sản xuất khung kim loại Catcher Technology, nhà cung cấm mô-đun cảm ứng TPK Holding, nhà cung cấp tấm màn hình Japan Display và LG Display đều giảm so với năm ngoái.
Hãng sản xuất ống kính camera Sonny Optical Technology Group và nhà cung cấp linh kiện âm thanh AAC Technologies Holding cũng không thoát khỏi cảnh lợi nhuận bị giảm sút. Trong khi đó, hãng sản xuất mô-đun camera khác là Q Technology còn phải chịu lỗ trong nửa đầu năm nay.
Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp smartphone đã phát triển bùng nổ và khiến ngành công nghiệp PC rơi vào cảnh trì trệ. Trước khi smartphone thống trị, ngành công nghiệp PC từng chi phối thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng. Từ năm 2012 đến nay, doanh số PC toàn cầu sụt giảm 6 năm liên tiếp. May mắn là trong hai năm qua, quy mô sụt giảm đã được thu hẹp. Năm ngoái, nhu cầu máy tính cá nhân thương mại và máy tính chơi game ổn định đã giúp doanh số PC đạt 259,52 triệu chiếc, giảm 0,2%.
Dẫu vậy, sự trì trệ của ngành công nghiệp PC vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà cung cấp mà linh kiện PC chiếm hơn 50% doanh thu. Quý vừa rồi, nhà cung cấp MacBook chính, Quanta Computer, giảm gần 40% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hàng năm của Compal Electronics, đối tác cung cấp linh kiện PC chính cho Lenovo, cũng giảm tới 30% sau khi loại trừ khoản nợ xấu 2,9 tỷ nhân dân tệ trong quý 2 năm ngoái.
Trong bối cảnh cả thị trường PC và smartphone đều suy yếu, các nhà cung cấp lớn như Foxconn, Pegatron và Quanta đang chuyển hướng sang những công nghệ mới như AI, IoT, 5G và xe hơi.
Đầu năm nay ông Terry Gou, chủ tịch Foxconn, cho biết các giải pháp sản xuất AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của hãng. Hồi tháng Sáu, Foxconn tách Foxconn Industrial Internet thành công ty riêng và niêm yết nó trên thị trường chứng khoán Thượng Hải, thu về 3,98 tỷ USD để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp AI.
"Ba năm tiếp theo sẽ rất quan trọng với Foxconn khi mà chúng tôi dịch chuyển thành công ty internet tập trung vào big data và AI", Gou nói với các cổ đông.
Gou cũng đang muốn mở rộng sự hiện diện của Foxconn tại Mỹ. Tổ hợp sản xuất màn hình LCD trị giá 10 tỷ USD tại Wisconsin sẽ mở đường cho Foxconn tiếp cận các nguồn lực phát triển và nghiên cứu tại Mỹ. Foxconn cũng đã thành lập dự án hợp tác nghiên cứu trị giá 100 triệu USD với Đại học Wisconsin-Madison và thành lập một công ty AI mới ở Silicon Valley vào tháng Bảy.
Quanta, hãng sản xuất laptop hợp đồng lớn nhất thế giới, cũng đang dịch chuyển sang những lĩnh vực mà Foxconn quan tâm. "Kỷ nguyên của laptop đã trở thành quá khứ. Chúng tôi đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực AI", chủ tịch Quanta Barry Lam tuyên bố với các phóng viên sau cuộc họp thường niên của công ty vào tháng Sáu.
Quanta tham gia mảng điện toán đám mây từ khoảng 10 năm trước và là một trong những nhà cung cấp linh kiện, dịch vụ điện tử đầu tiên của Đài Loan tham gia vào lĩnh vực này. Hiện tại, Quanta là đơn vị xây dựng trung tâm dữ liệu hợp đồng lớn nhất thế giới và Facebook, Amazon, Google chính là khách hàng của họ. Quanta bắt đầu xây dựng những trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI từ ba năm trước.
Tương tự như hai hãng trên, Pegatron cũng đang chuyển hướng sang phát triển các thiết bị IoT, loa thông minh tích hợp trợ lý ảo, thiết bị tự động và xe điện.
Mặc dù có những động thái, thay đổi đúng thời điểm nhưng các công ty này vẫn có thể phải đối mặt với vài năm khó khăn. Hiện tại, các ứng dụng AI vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu trong khi thị trường cho các thiết bị IoT, thiết bị tự động và phương tiện tự lái vừa mới chớm nở. Hơn nữa, phần lớn các thiết bị, ứng dụng kể trên đều phụ thuộc vào sự phát triển của mạng 5G, công nghệ mà tới năm 2020 mới có thể sẵn sàng.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng nhiều sản phẩm công nghệ thế hệ tiếp theo sẽ có thị trường hạn hẹp hơn nhiều so với PC và smartphone.
"Trong thời đại AI, IoT, rất khó để thấy bất kỳ sản phẩm nào, đặc biệt là sản phẩm điện tử tiêu dùng có thể bán được hàng triệu chiếc mỗi năm như PC hoặc smartphone", Vincent Chen, giám đốc nhóm nghiên cứu khu vực, một chuyên gia theo dõi các nhà cung cấp phần cứng tại hãng Yuanta Investment Consulting, tuyên bố.
Các hãng cung cấp linh kiện Đài Loan có thể tranh thủ kiếm tiền trong kỷ nguyên công nghệ mới nhưng rất khó cho các công ty như Foxconn có thể đạt mức tăng trưởng phi mã như họ đã từng có trong quá khứ, Chen nói.
Ngoài ra, theo Chen, căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một thách thức với các nhà cung cấp. "Trong khi tìm kiếm những giải pháp để không còn phụ thuộc vào PC và smartphone, các công ty này cũng cần tránh thiệt hại tiềm ẩn từ các cuộc chiến thương mại", Chen chia sẻ.
Theo Nikkei
0 nhận xét:
Đăng nhận xét