Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Tác giả nổi tiếng Dan Norris từng nhận xét một ý tưởng tồi, dù được thực thi tốt đến đâu cũng không thể tạo thành một doanh nghiệp tốt.






Những startup theo xu thế và thành công nhận thấy rằng tất cả họ đều nỗ lực vì một thành quả mang tính độc nhất vô nhị. Đó có thể không phải là một sản phẩm iPhone tiếp theo, nhưng là một ý tưởng chắc chắn thu hút được sự quan tâm đủ để "cất cánh". Những ý tưởng này thường có 9 đặc điểm sau.


1. Mỗi ngày một nhiệm vụ thú vị


Bạn thường nghe người ta khuyên "hãy làm những gì bạn đam mê" khi nói về công việc kinh doanh. Nhưng Dan Norris lại nhận rằng đây là một quan điểm sai lầm. Khi còn trẻ, ông từng thi tuyển làm thực tập viên ngành cơ khí. Ông đã vượt qua kỳ thi, và vị quản lý ở đó đã hỏi tại sao Dan lại muốn trở thành thợ cơ khí. Dan trả lời rằng, vì ông "đam mê" ô tô và vị quản lý nói: "Jay Lenocũng thế, nhưng ông ta không đi sửa ô tô để kiếm sống".


Nếu muốn trở thành một doanh nhân khởi nghiệp, bạn phải đam mê phát triển một doanh nghiệp.


Dan cũng từng mắc sai lầm khi khởi nghiệp những doanh nghiệp mà ông hoàn toàn không hứng thú. Đó chính là kẻ dủy diệt động lực mà bạn luôn cần tránh xa.


Thay vì phức tạp hóa mọi thứ bằng các sơ đồ và quy tắc, hãy thừa nhận rằng: Thật vô vị khi tiến hành một công việc mà bạn sẽ phải làm những việc bạn không hề thích.


Hãy nghĩ sâu và nghĩ kỹ về những công việc bạn sẽ làm hàng ngày. Rồi sau đó hình dung bạn đang làm những nhiệm vụ đó. Nếu bạn không thích những gì mình đang hình dung thấy, thì đó không phải là ý tưởng kinh doanh tuyệt vời dành cho bạn. Ngoại trừ điều đó ra, đừng lo lắng gì về đam mê của bạn cả.


2. Sự phù hợp giữa sản phẩm và Người sáng lập


Người ta thường nói nhiều về sự phù hợp giữa thị trường và sản phẩm, nhưng đối với những người bắt đầu khởi nghiệp, sự phù hợp giữa sản phẩm và Nhà sáng lập cũng quan trọng không kém.


Một số người có thể hòa hợp hoàn hảo với công ty của họ, trong khi một số khác lại không. Bạn cần phải suy nghĩ về những kỹ năng mình có, mọi người biết đến bạn vì điều gì, và ở đâu thì bạn có thể cống hiến hết giá trị của mình.


Nếu những thứ này không phù hợp với ý tưởng kinh doanh của bạn, thì sự khởi nghiệp đó hứa hẹn sẽ là một chặng đường khó khăn cần không ít những nỗ lực dài hơi.


3. Mô hình kinh doanh có khả năng mở rộng


Đối với những công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, nếu lợi nhuận tăng bất ngờ, cổ phần sẽ bùng nổ. Nếu lợi nhuận đột ngột giảm, cổ phần sẽ vỡ vụn theo. Đó là vì các doanh nghiệp hầu như không bao giờ bị đình đốn. Thật ra một doanh nghiệp không có sự tăng trưởng hay ký kết hợp đồng nào cũng là điều không bình thường chút nào.


Các nhà sáng lập khởi nghiệp cần phải có hoài bão phát triển công ty của mình trở thành một công ty lớn mạnh hơn. Nếu bạn không có hoài bão đó, thứ bạn đang tạo lập không phải là một startup.


Ý tưởng khởi nghiệp của bạn sẽ không có tính bền vững nếu bạn không có khả năng tận dụng một mô hình kinh doanh mang lại lợi nhuận và sự tăng trưởng.


Bạn cũng cần xem xét việc tính phí khách hàng như thế nào và liệu bạn có thể đặt kỳ vọng (một cách khách quan) rằng ý tưởng kinh doanh này sẽ tăng trưởng qua từng tháng hay không.


4. Hoạt động sinh lợi nhuận mà không cần người sáng lập


Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ đều chết yểu nếu không có các nhà sáng lập. Những người này quá gắn chặt với việc phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ, hoặc đơn giản là họ không có đủ lợi nhuận để thuê người khác làm thay tất cả những việc họ phải làm.


Rất nhiều người rơi vào chiếc bẫy này vì cho rằng giai đoạn đầu, người sáng lập cần phải "lăn lộn" dù thành quả đạt được là không nhiều. Việc lăn lộn cũng tốt, nhưng về cơ bản cần xây dựng được một biên lợi nhuận đối với sản phẩm hoặc dịch vụ bạn cung cấp.


Bạn cần có khả năng nhìn ra được thời điểm có thể sử dụng nhân sự hoặc các hệ thống hoạt động thay thế, mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục sinh lợi nhuận. Tại thời điểm đó, doanh nghiệp của bạn sẽ trở thành một doanh nghiệp thực sự.


Bạn có thấy ý tưởng của mình có thể trở thành một doanh nghiệp thật sự, có thể sinh lợi nhuận mà không cần đến bạn không?





5. Tài sản có thể bán


Kinh doanh không chỉ là kiếm tiền mà còn là tạo ra giá trị. Nhưng giá trị đó không phải do bạn tự khẳng định kiểu "Tôi nghĩ việc tôi đang làm rất có giá trị", mà phải do một bên thứ ba kiểm chứng và công nhận.


Những thứ có giá trị được gọi là tài sản, vì thế nhiệm vụ của bạn với vai trò một nhà sáng lập startup là xây dựng các tài sản.




Danh sách những vị khách chi tiền cho bạn mỗi tháng chính là một kiểu tài sản. Nếu tập trung vào những dự án ngắn hạn, ban đầu bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng nếu từ chối chúng và tập trung vào việc cung cấp giá trị định kỳ, thì nghĩa là bạn đang xây dựng được một tài sản giá trị.


Thiết kế sản phẩm và tài sản trí tuệ của bạn cũng được coi là tài sản. Nếu bạn bán lại hoặc sao chép sản phẩm của một ai đó, có thể bạn sẽ có lợi nhuận cao hơn trước mắt; nhưng chỉ khi tự tạo lập sản phẩm của riêng mình, bạn mới có một tài sản lâu dài.


Nhóm làm việc của bạn cũng là một tài sản. Khi tuyển dụng những người có năng lực bình thường để tiết kiệm tiền, lợi ích trước mắt là bạn có nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, nếu tuyển dụng những người tài giỏi, bạn sẽ xây dựng được một tài sản giá trị giúp doanh nghiệp ngày càng tăng trưởng.


Website doanh nghiệp của bạn cũng được coi là tài sản. Khi chi tiền cho những đội SEO rẻ mạt để spam website của bạn với những thứ tào lao, bạn có thể được xếp hạng đầu trên Google trong một ngày. Nhưng nếu có thể cung cấp những nội dung vượt trội qua nhiều năm, cuối cùng bạn sẽ tạo được một lợi thế cạnh tranh bất khả chiến bại.


6. Tiềm năng thị trường lớn


Mục tiêu lâu dài của một startup là trở thành một tay chơi chính thống trong ngành và tạo ra sức ảnh hưởng. Để làm được điều đó, các công ty khởi nghiệp phải phục vụ những thị trường lớn. Chúng có thể bắt đầu từ một thị trường nhỏ, nhưng để duy trì lợi nhuận tăng trưởng liên tục, chúng không thể tự hạn chế mình trong "chiếc ao làng".


Trong giai đoạn lập ý tưởng, hãy cân nhắc xem bạn sẽ xây dựng doanh nghiệp hướng tới một nhóm nhỏ đối tượng khách hàng hay liệu doanh nghiệp có thể phát triển thành thị trường lớn hay không.


7. Tận dụng sự khác biệt giữa điểm nhức nhối và điểm hài lòng


Mọi người sẽ nói bạn cần có một "lợi điểm bán hàng độc nhất" hay "điểm tạo sự khác biệt", nhưng họ lại không nói cho bạn biết rằng như thế chưa đủ để trở nên khác biệt.


Khách hàng của bạn thật sự quan tâm đến điều gì? Liệu ý tưởng của bạn có tận dụng được điểm nhức nhối hay hài lòng sâu trong họ? Hay nó đơn giản chỉ là một ‘ý tưởng hay ho’?


8. Lợi thế tạo khách hàng tiềm năng độc nhất


Có một ý tưởng tốt và thực hiện tốt ý tưởng đó chưa tạo nên được một phương trình đầy đủ. Bạn vẫn phải tìm kiếm khách hàng. Các doanh nghiệp tự khởi nghiệp thành công nhất đều có các cách tạo khách hàng tiềm năng thông qua việc tận dụng những điểm tạo sự khác biệt then chốt của doanh nghiệp hoặc của nhà sáng lập.


Ví dụ, CrazyEgg và KissMetrics có được phần lớn các giao dịch kinh doanh thông qua phương pháp marketing nội dung. Nhà đồng sáng lập công ty, Neil Patel, có lẽ là người tạo ra nhiều nội dung chất lượng nhất trong ngành này. Đây chính là lợi thế độc nhất cho các công ty của Neil.


John Dumas của công ty Entrepreneur on Fire là một diễn giả tự tin và tràn đầy năng lượng. Ông đã tạo ra doanh thu sáu con số trong năm kinh doanh đầu tiên nhờ bán hàng trực tiếp trên các webinar. Phương pháp tạo khách hàng tiềm năng này tận dụng một kỹ năng chủ chốt thuộc đúng lợi thế của John.


Bạn sẽ tạo khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp của mình thế nào? Điều gì sẽ khiến bạn và công ty của bạn trở nên độc nhất?


9. Khả năng thực hiện nhanh chóng


Thật không may là những sản phẩm mang tính đổi mới như iPhone không được xây dựng bởi những doanh nhân lần đầu lập nghiệp hay các công ty tự bỏ vốn. Để một ý tưởng kinh doanh có thể trở nên hữu ích với một doanh nhân tự khởi nghiệp, thì đó phải là một ý tưởng có thể triển khai nhanh chóng.


Các sản phẩm phần mềm phức tạp, các sản phẩm vật chất và các doanh nghiệp địa phương hữu hình là những thành quả khó đạt được. Nếu phải mất cả năm trời để triển khai một ý tưởng, bạn sẽ không thể học hỏi từ dữ liệu khách hàng thực tế khi bạn hành động.


Hãy lựa chọn một ý tưởng mà bạn có thể nhanh chóng triển khai và dễ dàng điều chỉnh. Sau đó, khi bắt đầu có được những dữ liệu thực tế từ những khách hàng sẵn lòng chi tiền, bạn có thể đổi mới và làm cho sản phẩm trở nên thực sự phù hợp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét