Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

Trích đoạn một bài báo BBC: "Các nhà nghiên cứu thuộc Harvard Business School và Stanford University ở Mỹ đã thu thập số liệu từ hơn 200 nghiên cứu và họ nhận thấy rằng áp lực thường gặp trong công việc có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của nhân viên cũng tương tự như việc phải đối mặt với lượng lớn khói thuốc lá do người khác thải ra."



1. Sợ nhân viên giỏi quá, một ngày nào đó sẽ thay thế mình

Đây là suy nghĩ thiển cận của một nhà lãnh đạo thiếu tài năng và luôn sợ bị "hất cẳng" thay thế. Nếu bạn chỉ thích ngồi một vị trí và làm những công việc ổn định, không cần thay đổi, thì bạn không nên làm sếp.

Làm lãnh đạo đúng nghĩa là phải tự hào khi nhân viên mình thành công và thăng tiến và điều đó đồng nghĩa với việc bạn cũng sẽ có thể có bước tiến mới và có những cộng sự giỏi giúp đỡ mình.

2. Thường xuyên giận dữ

Như tất cả mọi người bình thường khác, những người lãnh đạo cũng phải trải qua những ngày "đen tối" và áp lực đôi khi sẽ khiến họ mất bình tĩnh. Tuy nhiên, việc này không nên xảy ra quá thường xuyên và biến nó thành việc thường ngày. Nếu như sếp của bạn thường xuyên nổi nóng bất cứ khi nào mọi việc không được xử lý chính xác như yêu cầu, bạn hãy cân nhắc việc tiếp tục ở lại.

Cho dù cơn thịnh nộ của sếp trực tiếp liên quan tới bạn, sếp của sếp hay chỉ đơn giản là từ những yếu tố khách quan khác, sự giận dữ sẽ tạo ra những cảm xúc tiêu cực ở nơi làm việc. Những người lãnh đạo hay nổi nóng khiến cho nhân viên trở nên nhút nhát và dè chừng, họ sẽ hạn chế chia sẻ và nói lên ý kiến sáng tạo bởi họ e ngại việc sẽ bị la mắng.


Nếu bạn nghe thấy sếp đang la mắng ở ngoài sảnh, thay vì nghĩ "chuyện gì đang xảy ra?" bạn lại tự nhủ "Ồ chuyện thường ngày ấy mà", đó chính là lúc bạn cần tìm một chân trời mới.





3. Xem quản lý là mệnh lệnh và kiểm soát

Sếp tồi nghĩ rằng, công việc của họ là ra lệnh cho nhân viên làm mọi việc và đảm bảo rằng nhân viên hoàn thành các công việc đó.


Trái lại, những vị sếp thông minh hiểu rằng, cái chính trong công việc quản lý là giúp nhân viên của mình thành công hơn và đưa ra những quyết định khó khăn mà nhân viên không thể tự quyết được.


4. Kiểm soát đến từng tiểu tiết


Sếp của bạn liệu có huênh hoang, độc đoán, đến mức khiến bạn cảm thấy mình không thể hoàn thành bất cứ thứ gì? Đây có lẽ là vấn đề muôn thuở. Bởi vậy, bạn hãy chuẩn bị tâm lý ngay từ đầu. Nếu sếp muốn có bản "tường thuật chi tiết" mọi buổi họp, email hay cuộc gọi, bạn hãy ghi chép thật cẩn thận mọi giao dịch kinh doanh và gửi cho họ. Khi ấy, lãnh đạo sẽ nghĩ họ đang nắm rõ mọi thứ, và để bạn yên.


5. Dùng tiền tạo áp lực để nhân viên làm việc


Ai cũng cần tiền nhưng tiền là yếu tố cần mà không đủ. Hãy đảm bảo rằng nhân viên bạn có đủ tiền để lo cho cuộc sống cá nhân họ, để họ an tâm tận sức làm việc cho bạn.


Nếu bạn muốn họ nỗ lực hơn, hãy dùng những điều khác để làm động lực. Sự công nhận của công ty và cách đối xử của sếp đối với họ sẽ là những yếu tố đủ và cũng là yếu tố khác biệt giữ chân những nhân viên xuất sắc nhất.





Trên đây là 5 kiểu sếp tồi đặc trưng khiến cho nhân viên không muốn gắn bó với công ty. Dấu hiệu để nhận ra rõ rệt nhất là qua lời nói, cách giao tiếp hằng ngày của sếp đối với nhân viên. Sự khó tính "không đúng lúc" của họ thường được biểu hiện qua những câu nói như sau:


- "Anh/chị không được phép vào Facebook, Messenger... trong giờ làm việc": Nhân viên văn phòng thời 4.0 sống, ngủ, và ăn cùng với công việc bởi công việc họ làm không có thời điểm, hay kế hoạch kết thúc. Họ có thể làm việc cả ngày ở nơi làm việc và sau đó về nhà, vẫn miệt mài làm nốt công việc dang dở. Vì thế nếu họ cần một chút thư giãn, refresh trong giờ làm việc, các vị sếp cũng nên hiểu và tạo điều kiện cho nhân viên.


- "Việc của anh/chị là làm những gì tôi bảo": Thực sự thì đúng là như vậy, việc của bạn là làm những gì sếp giao. Nhưng sếp tồi thường nói điều này khi nhân viên có ý không muốn làm những công việc bên ngoài công việc chính. Ngược lại, một sếp giỏi sẽ giải thích tình huống khi một nhân viên cần đảm nhiệm hoặc thay đổi công việc, thay vì chỉ tuyên bố "Tôi kiểm soát những gì mà anh/chị làm".


- "Đó là vấn đề cá nhân anh": Một người sếp tệ sẽ nói câu này khi bạn đề cập đến việc mình có lý do chính đáng không thể dung hòa giữa công việc và cuộc sống. Người lãnh đạo không coi trọng cuộc sống bên ngoài của bạn không đáng để bạn làm việc cho họ lâu dài. Bạn nên tìm một người hiểu rằng cuộc sống cá nhân bạn ít nhất cũng quan trọng như công việc của bạn vậy.





- "Anh đã rất may mắn có công việc này": Đây chính là minh chứng cho việc họ không bao giờ cảm thấy rằng họ may mắn có được vị trí mà họ đang làm, chỉ có những người khác là may mắn mà thôi. Câu nói này thực ra là một lời xúc phạm, nhưng tệ hơn, đó chính là một tuyên bố về thất bại của nhà quản lý. Những người này đã không khai thác được tiềm năng của những người khác, và của chính họ. Nếu sếp của bạn có sở thích buông ra những lời bình luận chê bai như vậy, hãy nhớ rằng có nhiều vị sếp khác sẽ thấy hài lòng nếu có thêm những nhân viên như bạn.


- "Hãy tự tìm giải pháp xem nào": Chắc chắn là có những lúc nhân viên có thể tự mình tìm giải pháp, nhưng nhìn chung, những nhà quản lý nói câu này là những người bỏ bê trách nhiệm hướng dẫn và chỉ bảo cấp dưới. Ngay cả nếu chuyện xảy ra là vấn đề mà một nhân viên biết việc nên tự mình giải quyết, một nhà quản lý nên nói rõ ràng rằng: "Đây là một việc mà tôi muốn anh/chị tự giải quyết bằng các nguồn lực X, Y và Z". Câu "Hãy tự tìm giải pháp xem nào" thể hiện cả sự lười biếng lẫn nghiệt ngã của vị sếp.


-"Vì tôi là sếp": Khi một lãnh đạo muốn từ chối và khiến bạn im lặng, họ chỉ cần nói họ là ông chủ, còn bạn thì không. Tức là họ đúng, và bạn sai. Lời khuyên là hãy chạy ngay khỏi những người như vậy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét