Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Có người nhờ bạn giúp đỡ, họ mong bạn giúp hết 10 phần, nhưng bạn chỉ giúp 7 phần, đối phương nghĩ bạn không có thành ý, đã không cám ơn bạn, còn nghĩ bạn nợ anh ta 3 phần. Có rất nhiều người, làm ân báo oán, việc như vậy ở đời rất thường thấy.


Trên đời này, thứ khó đo lường nhất chính là lòng người.


Có lẽ có rất nhiều người ở đây đã từng là người bị hại và bị chơi khăm bởi chính những người quen biết, bạn bè thân thiết hoặc là những người mình từng giúp đỡ, đúng không?


Trước tiên, tôi xin được kể một câu chuyện ngắn, có thể gọi tên là "Con lạc đà và thước đo của sự lương thiện."


"Vào một đêm mùa đông lạnh lẽo, gió lạnh thổi tới, có một người Ả Rập đang chuẩn bị nghỉ ngơi trong một chiếc lều ấm áp.


Đột nhiên, có một con lạc đà đứng bên ngoài kéo rèm cửa lều của người Ả Rập và nói một cách đáng thương rằng bên ngoài trời quá lạnh, hy vọng người chủ lều có thể thương tình cho phép nó được đưa đầu vào để sưởi ấm một chút.


Người Ả Rập tốt bụng đã đồng ý lời thỉnh cầu của con lạc đà.


Không lâu sau, con lạc đà lại xin được đưa cổ, chân trước và nửa thân vào lều. Người Ả Rập cũng không đành nhẫn tâm từ chối, nên cũng đã đồng ý.


Nhưng lợi dụng lòng tốt của người Ả Rập, con lạc đà kia ngày càng trở nên quá đáng. Cuối cùng, nó chui cả người vào trong lều, và ép người Ả Rập ra khỏi lều, còn nó thì nằm bên trong tận hưởng căn lều ấm áp."


Người Ả Rập là người tốt, lương thiện, bởi vì anh ta giúp đỡ con lạc đà mà không cần điều kiện gì khác, cũng không nghĩ xem việc đó có hại đến lợi ích của mình hay không. Anh ta chỉ hết lòng giúp người theo bản năng, nhưng cuối cùng ngay cả lời cám ơn còn không nhận được, lại mang tổn thương về người.


Tâm hại người không nên có, nhưng tâm phòng người nhất định phải có. Có đôi lúc, sự thiện lương và đơn thuần của bạn lại không phải việc tốt, bởi vì sẽ có một số người lợi dụng điều đó để chiếm lợi từ bạn, làm bạn tổn thương xong, họ còn mắng bạn ngốc.


Trong "Tình yêu ma cà rồng" có một câu nói thế này: "Bất kỳ mối quan hệ nào cũng vậy, có thể nuôi dưỡng bạn, cũng có thể bòn rút từ bạn."


Do đó, lòng tốt của bạn cần phải có chừng mực và sự sắc bén khi nhìn người. Giúp đỡ người khác là tốt, nhưng đừng để bản thân bị lợi dụng, bị tổn thương.


Khi ra khỏi nhà, mọi việc đều phải khoan dung, nhẫn nhịn, chịu chút thiệt thòi thì được coi là "Phí học trường đời" rẻ nhất rồi.


Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, lùi một bước là bầu trời.


Tuyệt đối đừng nóng giận, đánh nhau, chỉ dễ gây tai vạ và kéo thiệt thòi vào người.





02
Bạn tôi, điển hình của sinh viên 3 tốt: Nhiệt tình, lương thiện, hiền. Khi còn ở ký túc xá, cô ấy không chỉ làm hết việc dọn dẹp trong phòng mỗi ngày, còn giúp các bạn cùng phòng làm rất nhiều việc như lấy bưu kiện, mua cơm hộp mỗi ngày, làm bài hộ,...


Lâu dần, bạn cùng phòng cô ấy cho rằng những thứ cô ấy đã làm là việc hiển nhiên. Quét dọn, lau phòng, đổ rác lại trở thành công việc riêng của cô ấy, không có ai có ý thức phụ giúp. Thậm chí đồ đạc cá nhân còn bị "mượn" mà không xin phép.


Tính cách khiêm nhường và lương thiện quá mức của cô ấy trong mắt người khác lại biến thành một kẻ ngốc không biết đấu tranh.


Mãi đến một ngày nọ, mấy bạn cùng phòng cô ấy uống rượu la hét ầm ĩ trong phòng, còn đổ rượu lung tung lên giường cô ấy, khi quản lý ký túc xá đến kiểm tra lại đổ thừa do cô ấy xúi giục, hại cô ấy bị người quản lý mắng cho một trận, lúc đó cô ấy mới tỉnh ngộ.

Cô ấy quyết định chuyển ra ngoài sống phòng trọ một mình.


Đối với những người biết điều biết chuyện, bạn chỉ cần giúp họ một lần, họ đã ghi ơn tạc dạ trong lòng, và rất ngại làm phiền bạn thêm lần hai.


Chúng ta đều biết lương thiện là một đức tính tốt, ngay từ nhỏ khi học môn Đạo đức chúng ta đã được dạy phải biết giúp đỡ, đối xử tốt bụng, khoan dung với người khác. Nhưng có đôi khi, sự tử tế và nhượng bộ của bạn không đổi lấy sự biết ơn, mà trái lại chỉ là sự đòi hỏi vô độ từ phía đối phương.


Xã hội ngày nay, người tử tế, lương thiện thường rất dễ bị bắt nạt.


Lương thiện thật sự đáng quý, nhưng nếu sự lương thiện của bạn bỏ ra chỉ đổi lấy sự quá đáng từ đối phương, nó lại gọi là yếu đuối rồi.





03
Olive Cooke, nhà từ thiện nổi tiếng ở Anh người đã tự tử bằng cách nhảy cầu, hưởng thọ 92 tuổi.


Từ năm 16 tuổi đến lúc mất đi, bà ấy đã làm việc thiện trong 77 năm trời.


Trong mười mấy năm liền, bà ấy đã quyên góp tiền cho hơn 20 tổ chức từ thiện và thậm chí còn lấy tất cả lương hưu của mình để làm từ thiện.


Một bà lão với tình yêu thương người vĩ đại như thế, vốn nên từ từ nhắm mắt trong những lời chúc phúc và biết ơn của tất cả mọi người, mà không nên rời khỏi thế giới này theo cách thức đau đớn như thế.


Hóa ra tiền tiết kiệm của Olive Cooke đã gần hết, và bà không thể bỏ ra nhiều tiền như lúc trước nữa.


Nhưng hàng tháng, bà vẫn nhận được 200 email và vô số cuộc gọi, không phải để cám ơn, mà là để yêu cầu bà quyên góp, còn có người trách bà cho họ quá ít.


Những lá thư lạnh lẽo như băng tuyết và những yêu cầu khó nghe kia khiến bà thấy nghẹt thở.


Sau khi bà gửi con trai 250 Bảng Anh thì bà mất tích, bởi vì đến phút cuối bà không còn dám tin ai nữa.


Khi một người đang đứng trên bờ vực tuyệt vọng, bạn giúp anh ta, anh ta sẽ coi bạn là ân nhân. Nhưng nếu bạn luôn giúp anh ta không giới hạn từ ngày này qua ngày khác, sẽ rất dễ nuôi dưỡng ra một con "ma cà rồng", chỉ biết "hút máu" từ người khác, khiến anh ta sinh ra cảm giác rằng bạn vốn dĩ nên giúp anh ta, đó là việc hiển nhiên.


Cho đến khi bạn không còn nhiều máu cho anh ta hút, bạn không còn điều kiện để giúp anh ta nữa, và bạn ngừng giúp.


Anh ta sẽ không nghĩ rằng bạn không thể giúp được, mà chỉ nghĩ bạn đang lấy đi thứ vốn thuộc về anh ta, và xem bạn như kẻ thù.





04
Lương thiện là chuyện tốt. Nhưng chúng ta cần có nguyên tắc riêng: cứu chuyện cấp bách không cứu cái nghèo, giúp người gặp khó không giúp người lười. Học cách đặt lòng tốt đúng chỗ, để sự lương thiện của bạn cho người xứng đáng có được.


Nếu là bạn, khi gặp những trường hợp này, bạn sẽ làm gì?


"Đồ bạn coi bộ dễ xài hơn, cho tôi mượn nhé, tôi khỏi mắc công mua."


"Học chuyên anh mà, giúp tôi biên dịch 10 trang này từ Việt sang Anh nhé, nhanh mà."


"Cậu đang thiết kế, sẵn tiện giúp tôi làm cái poster luôn đi, mai ráng xong sớm nhé, mai tôi phải dùng rồi đấy."


"Mày có nhiều tiền thế, cho tao mượn ít có sao đâu?"


"Đều là bạn bè với nhau, cậu giúp cô ta không giúp tôi vậy coi được à?"


...


Như đã nói, bạn giúp họ là vì tình cảm, không phải vì nghĩa vụ.


Đừng để người khác nhầm lẫn và quen với việc coi lòng tốt của bạn là nghĩa vụ bạn phải làm, là chuyện đương nhiên mà họ phải được nhận.


Đừng sống như một kẻ xấu xa hung dữ, nhưng cũng đừng bao giờ làm một ông già tốt bụng luôn mỉm cười trong thầm lặng, học cách thêm gai vào người để tự vệ cũng là chuyện tốt.


Lợi ích của bạn, bạn phải giữ, không được cả nể. Khi gặp bất công, phải đấu tranh, nói: "Xin lỗi, tôi không muốn làm!"


Trong nhà Phật thường dạy không nên làm tổn thương người. Nhưng chính bạn cũng nên nhớ, đừng để người khác được dịp lợi dụng làm tổn thương bạn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét