Cơ quan quản lý đang nghiên cứu sửa đổi một số quy định được cho là nút thắt lớn với doanh nghiệp trong xuất khẩu gạo.
Sau tuyên bố bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cách đây 2 ngày, chiều 6/1, người đứng đầu ngành công thương đã ký quyết định thành lập Tổ Biên tập và Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 109 về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Theo quyết định này, Ban soạn thảo sẽ do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Trưởng ban; Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương làm Thường trực. Bên cạnh đó, lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt nam và đại diện của 19 tỉnh thành trong đó có TP HCM, Thái Bình, bác Liệu, An Giang, Sóc Trăng… sẽ cùng tham gia Ban soạn thảo này.
Bộ Công Thương cho biết, việc sửa đổi nghị định sẽ được tiến hành khẩn trương quyết liệt để báo cáo Chính phủ trong Quý II/2017.
Những quy định tại Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo lâu nay được coi là nút thắt lớn với doanh nghiệp xuất khẩu. Để đáp ứng điều kiện xuất khẩu gạo theo Nghị định 109, doanh nghiệp phải có nguồn cốn lớn để đầu tư vùng nguyên liệu, kho chứa, nhà máy xay xát... Vì thế, việc lập Tổ công tác và Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi những quy định này được xem là bước tiếp theo trong công cuộc “cởi trói” cho hạt gạo trong thời gian khá dài bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục và điều kiện.
Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi quy định về xuất khẩu gạo.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận, thị trường xuất khẩu gạo thế giới đang có sự thay đổi, thay vì quyết định thuộc về người bán thị trường nằm trong tay người mua. "Tình trạng mất cân đối cung cầu bắt buộc chúng ta phải có tính toán để giải phóng lực lượng sản xuất, nhất là các doanh nghiệp tham gia kinh doanh mặt hàng này", Bộ trưởng Tuấn Anh chia sẻ với VnExpress ngày 6/1.
Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, sức cạnh tranh yếu, sản lượng sụt giảm... thì việc xóa bỏ những thủ tục gây khó cho doanh nghiệp "là việc không thể không làm".
Ông cũng cho biết, một trong những động thái mà cơ quan quản lý tính tới để "kích" xuất khẩu gạo năm tới là sẽ thay đổi chể chế, khung pháp lý để giúp doanh nghiệp hội nhập sâu, hiệu quả hơn.
Trên cơ sở đánh giá lại thị trường để tìm ra điểm mạnh, hạn chế trong cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu khác, Bộ sẽ có chương trình định hướng thị trường tốt hơn theo hướng hình thành các chuỗi, liên kết giữa vùng, nhà sản xuất - doanh nghiệp chế biết, cung ứng xuất khẩu....
"Năm 2017 sẽ có sự đổi mới thật sự mạnh mẽ cả về quan điểm, chủ trương và thể chế để hình thành các vùng sản xuất lớn đặc biệt là dựa trên việc giải phóng mở rộng tích tụ hạn điền thì mới có thể làm được để phục vụ cho việc cơ giới hóa, tự động hóa và đưa công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp để phải chủ động điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất để xác định đúng vị trí, thế đứng của hạt gạo Việt trên thị trường thế giới. "Không nên tạo ra áp lực cho xuất khẩu gạo và dẫn đến việc thiếu bền vững trong sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó vào ngày 4/1, Bộ Công Thương đã bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Theo đó, loạt tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu lâu nay được coi là rào cản với doanh nghiệp, như quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo; phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa một giờ mới được xuất khẩu gạo... đã được bãi bỏ.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2016 được coi là năm "ảm đạm" của hạt gạo xuất khẩu, khi khối lượng xuất chỉ đạt 4,88 triệu tấn tương đương 2,2 tỷ USD, chỉ bằng một phần tư khối lượng và giá trị của năm 2015.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét