Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát chặt chi ngân sách, "hãm phanh" chi thường xuyên và tìm cách giảm xe công.
Nhiệm vụ kiểm soát chi tiêu ngân sách, quản lý tài sản công được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới nhiều lần trong phần phát biểu kéo dài gần một giờ đồng hồ tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính chiều 6/1.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay thì cần dồn tiền làm cái gì cần thiết cho xã hội, cho phát triển. Ông quán triệt Bộ Tài chính, Sở Tài chính phải chủ trì, phát hiện phê bình ngành, địa phương chi tiêu lãng phí. Ông khẳng định không được trích một đồng ngân sách nào để đi biếu xén cấp trên, cấp dưới. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Chi thường xuyên liên tục tăng lên thì phải hãm phanh lại dứt khoát chứ không phải dự toán rồi cứ chi”, ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tài chính hãm phanh chi thường xuyên của cả nước. Ảnh: VGP.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục mạnh tay trong quản lý các nguồn lực là tài sản công, như xe công, đất đai, trụ sở của các cơ quan. Đánh giá cao chủ trương tiên phong khoán chi phí xe công từ nhà đến nơi làm việc của ngành tài chính nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần nghiên cứu và tổng kết để tính toán cách làm này có giảm được lượng xe và biên chế không.
“Xe công cũng chỉ là một hạt ngọc trong kho châu báu là khối tài sản công khổng lồ đang quản lý rất phân tán, kém hiệu quả của chúng ta. Nguồn lực công lớn nhất là từ trụ sở, đất đai có quy mô rất lớn nhưng chưa được định giá chính xác, sử dụng có phần tùy tiện, là tâm điểm của tham nhũng, của lợi ích nhóm và cũng là điểm nghẽn tăng trưởng của nền kinh tế", ông nói. Do đó, người đứng đầu Chính phủ khuyến khích Bộ Tài chính tìm hiểu các mô hình quốc tế phù hợp cho Việt Nam để cải cách tài sản công sao cho gia tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Thực tế, Bộ Tài chính gần đây cũng đang nghiên cứu phương án để tăng ngân sách qua đấu giá các tài sản như sim số, biển xe đẹp. Từ đầu tháng 11, Bộ cũng đã tiên phong thí điểm khoán chi phí sử dụng xe công cho các chức danh Thứ trưởng và tương đương, tuy nhiên mới chỉ áp dụng cho chi phí đưa đón từ nhà đến nơi làm việc.
Tại hội nghị tổng kết năm, nhiều địa phương cũng tiếp tục "kêu" về quy định xe công hiện nay chưa phù hợp. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, Lâm Đồng đều cho rằng, với địa bàn tỉnh trải trên địa bàn rộng, việc quy định mỗi sở 2 xe như các tỉnh khác sẽ gây khó khăn. "Ví dụ đi đến một huyện miền núi, huyện xa nhất của tỉnh phải đi 3 ngày. Do đó, Bộ Tài chính nên cân nhắc quy định định mức xe công để phục vụ công tác tại các tỉnh cho phù hợp", bà Lê Thị Tình - Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hoá nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Yên - Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất Bộ Tài chính chưa nên khoán kinh phí xe công đi công tác mà trước mắt nên áp dụng chi phí đi từ nhà đến nơi làm việc. "Tỉnh Lâm Đồng cũng như Thanh Hoá, địa bàn rộng, đi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh phải tới 300 km. Nếu khoán đi công tác thì sẽ rất khó và theo tôi nếu áp dụng nên chia theo từng tỉnh đặc thù", ông Yên nói.
Trước đó, nhiều tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP HCM cũng liên tục phàn nàn về định mức 2 xe công cho mỗi sở là quá ít, đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng xem xét lại các địa phương đặc thù.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét