Người đứng đầu Chính phủ đồng ý với phương án cơ cấu lại bộ máy của Bộ Công Thương và yêu cầu nhân rộng ra các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc.
Chỉ đạo nêu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Công Thương, sáng 6/1. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng đến làm việc tại Bộ này sau 9 tháng nhậm chức.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong năm qua, ngành công thương đã trải qua nhiều biến cố về nhân sự, các dự án thua lỗ của một số đơn vị nhưng ngành đã tự vươn lên với sự nỗ lực của cả ngành, các tập đoàn, tổng công ty, các địa phương trọng điểm.
“Có thể nói Bộ Công Thương vấp nhưng chưa ngã. Chưa năm nào mà chúng ta gặp khó khăn như năm nay, từ nhân tai, thiên tai đến tiền tệ, sản xuất, kinh doanh. Dù một số chỉ tiêu chưa hoàn thành nhưng vai trò đóng góp của ngành công thương trong phát triển chung rất lớn”, Thủ tướng đánh giá.
Không dưới hai lần tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ biểu dương sự cải cách mạnh mẽ trong thủ tục hành chính, dỡ bỏ rào cản kinh doanh và cơ cấu lại bộ máy nhân sự của Bộ Công Thương. Ông nhấn mạnh việc cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy, hoạt động của Bộ đã đạt kết quả tốt theo hướng tinh giản và hiệu quả. “Có thể nói, đây là Bộ làm việc này tốt nhất”, Thủ tướng nhìn nhận.
Từ "tấm gương" của Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty
trực thuộc phải nghiêm túc cơ cấu lại bộ máy, tinh giản biên chế. Ảnh:VGP
Tuy vậy, khi nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng cho rằng công tác cán bộ mà đặc biệt là tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đã tạo dư luận không tốt; những dự án thua lỗ, yếu kém kéo dài; các dự án chậm triển khai và những bất cập trong quy hoạch nên chưa tạo động lực và hỗ trợ cho tư nhân tham gia…
Người đứng đầu Chính phủ đồng ý với phương án giảm số vụ, cục, phòng ban theo đề án mà Bộ Công Thương đã đề xuất, song yêu cầu từ “tấm gương” cơ cấu bộ máy của bộ chủ quản, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc cũng cần cấu trúc lại mình.
“Bộ máy đồ sộ, người đông, sản phẩm không có gì nổi trội thì không thể cạnh tranh được. Người đứng đầu các doanh nghiệp cần phải nhận thức đây thực sự là 'cuộc cách mạng', yêu cầu cấp bách của nền kinh tế”, Thủ tướng chỉ rõ.
Đối với các dự án "đắp chiếu", Thủ tướng yêu cầu cần tập trung giải quyết, hạn chế tình trạng tham nhũng, cửa quyền ở cơ quan này, kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ kéo dài; trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu trong việc để thua lỗ. “Ngân sách không có khả năng và ném tiền vào những dự án thua lỗ này. Cái nào phá sản, phục hồi, hoán đổi cần có cơ chế rõ ràng, giải pháp cụ thể”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương muốn tạo ra sự thay đổi, cạnh tranh phải bắt đầu tạo ra môi trường để doanh nghiệp, người dân làm ăn sòng phẳng, không bị chèn ép. Muốn có được điều này trước hết phải chú trọng thể chế, con người theo hướng kiến tạo, thị trường. “Cái gì cản trở thì Chính phủ sẽ lắng nghe, tháo gỡ để sản xuất của doanh nghiệp, người dân theo sát thị trường”, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.
Trong sự thay đổi tạo ra sản phẩm mới, người đứng đầu Chính phủ lưu ý lãnh đạo Bộ Công Thương phải tuyệt đối chú trọng tới yếu tố môi trường các dự án, công trình của doanh nghiệp trực thuộc. “Các đồng chí đừng để tái diễn những cuộc biểu tình dài dằng dặc do ô nhiễm môi trường của các nhà máy, dự án gây ra. Formosa một lần, chứ tái diễn một Formosa thứ 2 nữa là không được. Không thể vì lợi nhuận, doanh thu mà bất chấp xả thải ô nhiễm môi trường”, Thủ tướng dứt khoát.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2017 được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng từ kết quả của một số FTA đã ký và đi vào thực thi, cơ hội tiếp nhận dòng đầu tư FDI dịch chuyển ra khỏi một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá dầu và lương thực có xu hướng tăng gây sức ép lạm phát tăng trở lại. Việc ổn định tỷ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết toàn ngành sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Đồng thời, các cơ chế đề ra sẽ tiếp tục hướng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Trong năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ đưa ra 4 mục tiêu của ngành công thương góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 tăng 6,7%. Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đặt mục tiêu tăng 8-9%, xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức được giao là 6-7%, nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu được giao là 3,5% kim ngạch xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng loạt chính sách gỡ khó cho ngành sản xuất điện, than, xăng dầu... Đơn cử, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ (GGU) đối với Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (hỗ trợ PetroVietnam thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm cho Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại); đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%; hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp dệt may...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét