Carlsberg mong muốn nâng mức sở hữu cổ phần tại Habeco để cạnh tranh trực tiếp với Heineken và Sabeco.
Theo cơ quan nghiên cứu ngành bia Canadean, với mức tiêu thụ 3,8 tỷ lít năm 2015, Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn nhất châu Á. Hiện lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam là 41 lít một người trong một năm, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.
Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, thị phần bia Việt hiện nằm trong tay hai ông lớn là Sabeco (40%) và Heineken (25%). Habeco ở vị trí thứ 3 với 18%. Riêng Carlsberg nắm giữ 10,8% thị phần. Ngoài ra, thị trường còn có sự góp mặt của các tên tuổi khác như Sapporo, AB InBev, Masan...
Tại Việt Nam, Carlsberg cho biết, năm qua, thị phần bia của hãng ổn định và có sự tăng trưởng phần lớn là nhờ tung ra thương hiệu Tuborg nhắm vào người tiêu dùng trẻ tuổi, thích tiệc tùng của Việt Nam. Hiện tại Carlsberg sở hữu 17,5% cổ phần.
Riêng với thương vụ Habeco, Carlsberg không phủ nhận tham vọng muốn phân chia lại thị trường bia Việt Nam khi nâng sở hữu tại đây. Và kế hoạch này đã được hãng chờ đợi trong gần một thập kỷ, bởi Carlsberg là cổ đông ngoại tại Habeco từ năm 2008.
Nếu thỏa thuận thành công, Carlsberg sẽ nâng thị phần lên trên 28%.
Thời điểm 2008, cổ phiếu Habeco được đấu giá công khai với giá khởi điểm 50.000 đồng. Trong 5 nhà đầu tư đăng ký mua, riêng Carlsberg lọt vào mắt xanh và mua vào thành công 16% vốn cổ phần của Habeco. Hai bên đã ký bản cam kết với điều khoản riêng, trong đó có quyền ưu tiên mua cổ phần khi Chính phủ thoái vốn tại Habeco.
Năm 2012, kế hoạch tăng thị phần của Carlsberg tưởng như thành công khi được chấp thuận nâng sở hữu lên 30% tại Habeco nhưng sau đó việc bán vốn bị hoãn lại.
"Thị trường sẽ trở nên hấp dẫn, cạnh tranh hơn khi có 3 đơn vị ngang tài ngang sức thống lĩnh là Sabeco, Carlsberg và Heineken. Khi cạnh tranh minh bạch cả về chất lượng, sản phẩm, hưởng lợi lớn nhất là người tiêu dùng", một chuyên gia trong ngành cho biết.
Bia Hà Nội của Habeco đã thành một thương hiệu biểu tượng cho dòng sản phẩm bia tại miền Bắc. Tuy nhiên, Habeco đang chững lại so với nhiều công ty khác do thiếu hụt thương hiệu và sản phẩm trong khi các đối thủ cạnh tranh đang đẩy mạnh Bắc tiến. Habeco cũng đối mặt với nhiều thách thức khi không thành công với các sản phẩm cao cấp vốn là phân khúc đang phát triển nhanh nhất tại thị trường bia Việt.
Trả lời Bloomberg gần đây, ông Cees 't Hart - Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Carlsberg chia sẻ, hãng mong muốn có được cổ phần cao hơn tại Habeco, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn của Nhà nước.
"Chúng tôi đang đàm phán để gia tăng cổ phần ở Habeco. Carlsberg có quyền ưu tiên mua cổ phần tại đây và quyền này đã được công nhận", vị này khẳng định.
Doanh số bán ra và thị phần của Habeco giai đoạn 2010-2015.
Ví câu chuyện Habeco như Huda - trường hợp Carlsberg từng thâu tóm thành công hồi năm 2011, hãng cho biết, sự có mặt của Carlsberg đã khiến Huda "cởi bỏ" chiếc áo cũ kỹ để xây dựng một hình ảnh mới hiện đại, phù hợp thị hiếu, khẩu vị người tiêu dùng. Giờ đây, Huda không chỉ tiêu thụ ở miền Trung mà hiện diện tại miền Bắc lẫn miền Nam.
Thực tế, kể từ khi mua lại Công ty Bia Huế vào năm 2011, Carlsberg đã đầu tư đáng kể vào việc làm mạnh thương hiệu bia Huda, từ đó tăng thị phần tại khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) từ 46% lên 54%, tại Đà Nẵng từ 1% lên 20% trong 4 năm qua.
"Carlsberg có cam kết mạnh mẽ đối với Việt Nam, từ thành công của thương hiệu bia Huda ở miền Trung, chúng tôi đã chứng minh bằng thực tế năng lực làm lớn mạnh các thương hiệu nội địa. Chúng tôi tin tưởng có thể làm điều tương tự với thương hiệu bia Hà Nội”, ông Cees ‘t Hart bày tỏ.
Là hãng bia lớn thứ 3 thế giới, Carlsberg đã có mặt tại 150 thị trường toàn cầu. Cũng như tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, M&A là công cụ hữu hiệu để hãng mở rộng vị thế của mình và hãng không ngừng gia tăng sức mạnh thương hiệu cho các doanh nghiệp mua lại. Hiện Carlsberg sở hữu khoảng 500 thương hiệu bia lớn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét