Chủ tịch Trung Quốc đưa ra thông điệp bảo vệ toàn cầu hóa, đồng thời đề nghị thế giới tiếp tục duy trì thương mại và đầu tư tự do... khi phát biểu tại Davos (Thụy Sĩ).
"Rất nhiều vấn đề thế giới đang đối mặt không phải do toàn cầu hóa kinh tế gây ra", ông cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm qua, "Dù thích hay không, kinh tế toàn cầu vẫn là một đại dương lớn và anh không thể thoát khỏi nó được".
Ông Tập là chủ tịch đầu tiên của Trung Quốc tham dự diễn đàn thường niên của các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp này. Bài phát biểu của ông hôm qua được đánh giá mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Bắc Kinh muốn định vị bản thân là lãnh đạo toàn cầu, trong bối cảnh các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, dần rút khỏi chính trường thế giới.
"Chúng ta phải tiếp tục duy trì thương mại và đầu tư tự do, phải thúc đẩy quá trình tự do hóa hai lĩnh vực này. Không ai có thể chiến thắng nếu chiến tranh thương mại xảy ra", ông khẳng định.
Ông Tập Cận Bình là Chủ tịch đầu tiên của Trung Quốc tham dự WEF ở Davos. Ảnh: Reuters
Những tỷ phú, CEO và chính trị gia tới đây hằng năm là những người rất ủng hộ toàn cầu hóa. Tuy nhiên, sự kiện năm nay lại tổ chức đúng thời điểm chuyển giao quyền lực tại Mỹ. 20/1 - ngày cuối cùng WEF diễn ra cũng là ngày Tổng thống đắc cử Mỹ - Donald Trump nhậm chức.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump đều tỏ thái độ không hài lòng với các hiệp định thương mại quốc tế. Ông gọi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là "một thảm họa". Trump thường xuyên đe dọa đánh thuế 35% lên hàng hóa, đặc biệt là ôtô, sản xuất tại Mexico. Ông cũng dọa trừng phạt Trung Quốc vì cho rằng nước này đang định giá thấp đồng NDT.
Ông Tập cho rằng toàn cầu hóa là một con dao hai lưỡi. Và mọi người trên thế giới đều từng chịu ảnh hưởng vì mặt hạn chế của nó. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ là một sai lầm nếu quay về chủ nghĩa biệt lập.
"Việc đúng đắn cần làm là nắm bắt mọi cơ hội để cùng giải quyết thách thức, và vẽ ra hướng đi đúng cho toàn cầu hóa kinh tế", ông cho biết.
Trung Quốc đang thúc đẩy hiệp định thương mại tự do do chính họ khởi xướng với các lãnh đạo quanh Thái Bình Dương. "Nếu Mỹ từ bỏ quan hệ kinh tế - thương mại với châu Á và Thái Bình Dương, Trung Quốc đã có kế hoạch thay thế, không chỉ cho hai khu vực này, mà còn cho cả Mỹ Latin", nhà kinh tế học Nouriel Roubini cho biết.
Toàn cầu hóa đang là chất xúc tác cho sự phát triển của kinh tế Trung Quốc, biến nước này thành cường quốc sản xuất và thương mại. Khi thương mại quốc tế bùng nổ, hàng chục triệu người Trung Quốc đã gia nhập tầng lớp trung lưu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét