Mức phí được địa phương áp dụng cao nhất là 4,8 triệu đồng một container 40 feet ra vào cảng không chỉ khiến doanh nghiệp lo đội chi phí mà còn kéo theo những thủ tục khác.
Theo quyết định thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển) được Hải Phòng áp dụng từ đầu năm nay, mức phí thấp nhất được đưa ra là 2,2 triệu đồng một container loại 20 feet và cao nhất là 4,8 triệu đồng với container loại 40 feet... Việc thu phí dự kiến sẽ đem về cho ngân sách địa phương khoảng 1.500 tỷ đồng trong năm nay.
Tuy vậy chính sách này lại gặp phải sự phản đối từ nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng... Anh Như - nhân viên một công ty về dịch vụ cảng biển tại Hải Phòng kể từ khi áp dụng loại phí mới, doanh nghiệp muốn làm thủ tục qua các cửa khẩu cảng biển tại Hải Phòng sẽ phải đến các điểm thu phí để nhận, lập tờ khai và nộp tiền. Sau khi có biên lai thu phí, doanh nghiệp mới làm thủ tục thông quan hàng hoá.
“Có hai bản kê khai phí giống nhau và được in giấy than nhưng do đều phải viết tay nên mất nhiều thời gian. Trung bình thời gian hoàn tất các thủ tục kê khai, nộp phí mất từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ, chưa gồm các khâu chuẩn bị và vướng mắc phát sinh”, anh chia sẻ khi vừa hoàn thành việc kê khai nộp phí tại cửa khẩu cảng Hải An.
Mức phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng bị các doanh nghiệp "tố" vô lý, tạo sự phân biệt đối xử
giữa các loại hàng hoá xuất nhập qua cảng. Ảnh: Giang Chinh
Ký hợp đồng dịch vụ với khách hàng cách đây 2 tháng, nhưng ngày 10/1 hàng mới về cảng và vướng luôn loại phí này, ông chủ Công ty TNHH Hưng Thịnh (chuyên về logistics tại Hải Phòng) như ngồi trên đống lửa. “Doanh nghiệp bị đội chi phí gần 200 triệu đồng khi làm dịch vụ thông quan lô hàng cho khách, mà khoản này công ty không thể thu thêm do hợp đồng đã được ký trước khi có quyết định khá lâu”, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Thực sự bất ngờ và choáng váng với quyết định thu loại phí này của Hải Phòng là phản ánh của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bông sợi Việt Nam trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây. “Đây thực sự là một thông báo đầy bất ngờ, làm choáng váng các doanh nghiệp đã và đang thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng”, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội cho biết.
Tính toán của hiệp hội này, nếu mỗi tháng xuất nhập 150–400 container loại 40 feet thì doanh nghiệp sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đến 2,4 tỷ đồng một năm cho chi phí này, chưa kể các chi phí đi lại và chờ đợi làm thủ tục.
“Động thái này của Hải Phòng đã đi ngược lại với nỗ lực của Chính phủ, làm mất lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như tác động bất lợi đến môi trường kinh doanh của Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam lên tiếng.
Không chỉ bị kêu "vô lý" khi thu thêm phụ phí mới, bên cạnh rất nhiều loại phí doanh nghiệp đang phải chịu khi thông quan hàng qua cảng, mức phí hạ tầng cảng biển mà Hải Phòng mới áp dụng còn bị cho là "phân biệt đối xử trầm trọng giữa hàng thông quan tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng, với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan".
Cụ thể theo phân tích của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, phí thu với hàng tạm nhập - tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan… với một container 20 feet Hải Phòng thu tới 2,2 triệu đồng; container 40 feet là 4,4 triệu đồng, trong khi phí với hàng hoá xuất, nhập khẩu (hàng rời) chỉ 250.000 - 500.000 đồng một container. Chênh lệch mức phí thu giữa các loại hàng là 9 lần. “Đây là điều vô cùng bất hợp lý, không rõ Hải Phòng tính toán và dựa trên cơ sở nào đưa ra các mức thu như vậy”, đại diện Hội doanh nhân trẻ lên tiếng.
Quy định này còn bị cho là đã tạo gánh nặng vô cùng lớn cho doanh nghiệp do phải nộp phí liên quan tới xuất nhập khẩu ở nhiều cửa khẩu khác nhau, vi phạm các cam kết tại Điều 3 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia WTO.
Hiện hàng hóa của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu về đều tính theo giá FOB (giao hàng thuê tàu), nên các doanh nghiệp đều phải thuê tàu vận chuyển hàng hóa về cảng Hải Phòng. Khi các tàu về đến cảng, thông qua hãng tàu các doanh nghiệp phải nộp các loại phí, như phí hoa tiêu, phí lai dắt, cầu cảng, sử dụng hạ tầng, phí bốc xếp nâng hạ hàng hóa… Và tất cả các loại phí này được tính vào giá dịch vụ của doanh nghiệp vận tải áp dụng cho khách hàng.
Về lâu dài, việc tăng phí sẽ khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đẩy chi phí vào giá thành sản phẩm dẫn tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp có thể bị giảm và người tiêu dùng phải gánh giá tăng.
Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội chủ hàng Việt Nam bày tỏ lo ngại nếu Hải Phòng vẫn tiếp tục giữ quyết định thu loại phí này bất chấp những ý kiến phản đối của các doanh nghiệp, hiệp hội thì không loại trừ khả năng doanh nghiệp sẽ huỷ hợp đồng thông quan qua cảng Hải Phòng, và chuyển sang cảng khác ở tỉnh, thành lân cận như Cái Lân (Quảng Ninh). Khi điều này xảy ra, ông Minh lo doanh nghiệp cảng sẽ mất khách hàng.
“Tất nhiên đây là việc cực chẳng đã, nhưng trước những khoản phí quá lớn nếu cộng dồn, doanh nghiệp cũng phải tính toán bài toán chi phí có lợi nhất cho mình”, ông Trần Đức Minh nói.
Vì lẽ đó, trong các văn bản gửi Thủ tướng của các cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp đều kiến nghị lãnh đạo Chính phủ yêu cầu HĐND Hải Phòng xem xét, sửa đổi lại mức phí này. Đồng thời, Hải Phòng cũng cần làm rõ quy trình, trình tự thủ tục ra quyết định thu phí trên, đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng thư lý Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho biết Hiệp hội này đã có kiến nghị, trong điều kiện vận tải biển đang gặp khó khăn thì Nhà nước, các địa phương giảm tối đa các loại phí, lệ phí “đánh” vào doanh nghiệp tàu biển. Nếu không giảm thì cố gắng giữ, không tăng cho tới hết năm 2018.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Hải Phòng cho biết quyết định nêu trên là đúng theo quy định và đây là địa phương đầu tiên áp dụng nên không tránh khỏi phản ứng của doanh nghiệp. Sau khi xem xét, thành phố cũng nhận thấy mức phí với hàng rời (20.000 đồng một tấn) là cao nên đã quyết định chưa thu phí hạ tầng với mặt hàng này (hàng container vẫn áp dụng). Ngoài ra, việc doanh nghiệp nộp hay chưa nộp khoản phí này hiện cũng không ảnh hưởng tới việc thông quan hàng hoá do không liên quan đến hoạt động của hải quan.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét