Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Khoản vốn này dự kiến bắt đầu giải ngân trong năm nay để phục vụ đề án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020.

Thông tin trên được ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ công bố tại Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh ngày 6/1.

Ông Thành cho biết, 17.000 tỷ đồng là khoản vốn kêu gọi từ các doanh nghiệp trong nước nhằm đầu tư cho các hoạt động như tăng cường tính liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao... Cụ thể, gần 8.000 tỷ đồng dành cho xây dựng các nhà máy chế biến rau củ quả, nhà máy sản xuất phụ trợ nông nghiệp và khoảng 2.000 tỷ đồng mở rộng chợ đầu mối nông sản lớn nhất tỉnh. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu nông sản địa phương vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và châu Âu cũng được chú trọng với giá trị đầu tư lên đến vài trăm tỷ đồng.

“Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà nhiều tập đoàn nước ngoài cũng đang tìm hiểu điều kiện và cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh, điển hình như việc một tập đoàn của Mỹ vừa ký cam kết đầu tư 1 tỷ USD cách đây không lâu”, ông Thành nói.

Mô hình trồng mãng cầu theo chuẩn VietGAP tại Tây Ninh. Ảnh: Báo Tây Ninh.

Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - ông Phan Văn Tân cho biết hiện nay khoảng 70% người dân địa phương sống bằng nghề nông nhưng giá trị sản phẩm bình quân trồng trọt thu được chỉ ở mức 85,5 triệu đồng một hecta. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương chủ yếu ở dạng chế biến thô, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định và chưa xứng tầm với những lợi thế sẵn có về thiên nhiên như nguồn nước dồi dào, khí hậu lí tưởng phát triển cây trồng nhiệt đới…

Theo ông Tân, hiện Tây Ninh đang tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường thông qua việc giảm diện tích các cây truyền thống như cao su, lúa, mì để đẩy mạnh sản xuất các rau quả, cây ăn trái nhiệt đới theo hướng sản phẩm sạch. Từ việc kết hợp đề án này với nguồn vốn của doanh nghiệp, Tây Ninh đang xây dựng cơ chế ưu tiên tối đa cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao như việc hỗ trợ lãi suất đầu tư, dành một phần quỹ đất công thu hồi từ các nông trường với diện tích khoảng 1.800 ha để quy hoạch và phát triển hạ tầng nông nghiệp. 

Nhiều lãnh đạo, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhận định việc hàng loạt nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp thì kì vọng GDP của nông nghiệp Tây Ninh cán mốc 8,3 tỷ USD và thu nhập nông dân tăng lên 5.000 USD một năm sau 5 năm triển khai mô hình này là điều hoàn toàn khả thi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét