Cầu yếu, cung dồi dào khiến giá USD ngân hàng hôm nay giảm 55 đồng so với 5/1 và mất tổng cộng 180 đồng sau 4 ngày, về mức thấp nhất trong vòng 3 tuần qua.
Tỷ giá trung tâm ngày 6/1 được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 5 đồng so với hôm qua, xuống 22.154 đồng mỗi đôla. Với biên độ +/-3%, tỷ giá trần mà các ngân hàng có thể áp dụng là 22.818 đồng, sàn là 21.489 đồng.
Trên thực tế, giá USD ngân hàng liên tục sụt giảm mạnh. Đầu giờ chiều 6/1, giá USD giao dịch tại Vietcombank đang là 22.530 - 22.610 đồng (mua vào - bán ra), giảm 55 đồng ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm qua. Trước đó trong ngày 5/1, mỗi USD tại nhà băng này đã mất 40 đồng.
Tỷ giá USD/VND giảm mạnh mấy ngày qua.
Tương tự, giá USD tại BIDV hiện đang được niêm yết ở mức 22.520 - 22.620 đồng, giảm 95 đồng ở chiều mua vào và 65 đồng chiều bán ra. VietinBank cũng công bố giao dịch quanh 22.510 - 22.590 đồng, giảm 85 đồng và 75 đồng lần lượt ở 2 chiều.
Tỷ giá USD/VND bắt đầu giảm mạnh từ sau kỳ nghỉ lễ Tết dương lịch. Trong 4 ngày qua, mỗi đôla Mỹ đã sụt 180 đồng (0,75%), về thấp nhất kể từ 10/12/2016.
Trên thị trường tự do, giá mua bán USD cũng giảm mạnh. Đầu giờ chiều nay, mỗi đôla Mỹ được các điểm thu đổi ngoại tệ quanh chợ Bến Thành, quận 1 (TP HCM) công bố dao động quanh 22.920 - 22.990 đồng, giảm vài chục đồng so với hôm qua.
Nhìn nhận vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng, trước hết là tác động từ diễn biến giá USD trên thị trường thế giới. Hai ngày qua, đồng đôla Mỹ đã có những phiên sụt giảm giá trị mạnh, xuống mức thấp nhất 14 năm qua nên tỷ giá USD so với VND hạ nhiệt là tất yếu.
Hiện các doanh nghiệp đã bước qua kỳ cao điểm thanh toán hàng nhập khẩu cuối năm, do đó cầu ngoại tệ đã giảm hẳn. Thêm vào đó, do sát Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng để phục vụ hoạt động thanh toán, chi trả lương thưởng… cộng với một lượng lớn kiều hối đổ về được chuyển sang tiền Việt nên nguồn cung USD dồi dào hơn và giá đôla Mỹ đi xuống.
Trong buổi họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm qua việc điều hành chính sách tỷ giá đã có cơ chế mới - tỷ giá trung tâm. Cơ chế này, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, đã mang lại hiệu quả tích cực cho năm qua, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định.
Trong Nghị quyết về các giải pháp điều hành, phát triển kinh tế xã hội 2017 vừa được Chính phủ ban hành cũng nhấn mạnh đến việc quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ và vàng. Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chống đôla hóa và vàng hóa, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét