Tiếp tục đóng máy, ngừng sản xuất trong năm 2017, nhà máy dự kiến lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, trong khi nếu hoạt động, khoản lỗ cũng chỉ giảm khoảng 250 tỷ.
Theo báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh đến cuối tháng 7/2016, Công ty Đạm Ninh Bình nợ quá hạn hơn 227 tỷ đồng, nhưng chỉ sau hơn một tháng (đến tháng 9/2016) số nợ này đã tăng lên hơn 610 tỷ. Các ngân hàng đã chuyển nợ của doanh nghiệp sang nhóm II và III (nợ cần chú ý và nợ dưới chuẩn), đồng thời dừng giải ngân vốn vay cho công ty khiến tình hình càng thêm khó khăn. Dù Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã hỗ trợ trả nợ thay khoản nợ gốc và lãi vay đầu tư đến hết năm 2016, nhưng công ty vẫn không thể cân đối được dòng tiền để trả cho các khoản vay ngắn hạn.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, nếu tiếp tục sản xuất, công ty sẽ giữ được người lao động, bảo dưỡng thiết bị, máy móc nhưng do các ngân hàng đã ngừng giải ngân, thiếu vốn sản xuất nên Đạm Ninh Bình đã dừng máy tạm thời tới hết tháng 12/2016 để chờ cơ hội thị trường tích cực. Với tình hình sản xuất cầm chừng, bị cắt nguồn vốn vay từ ngân hàng, Đạm Ninh Bình ghi nhận lỗ gần 1.080 tỷ đồng năm 2016.
Kể từ ngày đi vào vận hành, năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục rơi vào tình cảnh thua lỗ triền miên.
Theo tính toán, nếu tiếp tục dừng máy trong năm 2017, Đạm Ninh Bình sẽ lỗ 1.200 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp này đã có kế hoạch sản xuất trở lại với sản lượng dự kiến 290.000 tấn ure và với phương án này, công ty có thể giảm lỗ 250 tỷ. Về khả năng thu xếp vốn để tái khởi động sản xuất sau thời gian tạm dừng, Đạm Ninh Bình cho biết đã bố trí đủ 23 tỷ đồng mua vật tư, số tiền này lấy từ nguồn bán sản phẩm tồn kho.
Tuy công tác chuẩn bị máy, thiết bị và nhân sự cho chạy lại máy đã cơ bản hoàn thành, song lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, chưa bố trí được nguồn vốn lưu động để duy trì sản xuất ổn định sau khi tái khởi động. Do đó, Đạm Ninh Bình kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn trả nợ vay cho các hợp đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thành 20 năm, điều chỉnh lãi suất cho vay thành 3% trong thời gian 2017-2021, và từ năm 2022 trở đi mức lãi suất nào cao hơn 8,55% sẽ được điều chỉnh về mức lãi suất được Bộ Tài chính công bố hàng năm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm 2017-2021; giãn mức trích khấu hao tài sản trong giai đoạn 2017-2021 với mức 50% như đã áp dụng trong năm 2016…
Nhà máy Đạm Ninh Bình là một trong số 12 dự án thua lỗ kéo dài của Bộ Công Thương cần xử lý dứt điểm trước năm 2018. Được Vinachem đầu tư, có tổng vốn khoảng 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng), quy mô công suất 560.000 tấn ure một năm, Đạm Ninh Bình được khởi công từ năm 2008 và 4 năm sau đi vào hoạt động. Song từ khi hoạt động đến nay nhà máy này liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Năm 2013 nhà máy này lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và năm 2016 dự kiến lỗ là 1.078 tỷ.
Tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 6/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, bộ này sẽ tích cực "xắn tay" vào xử lý các dự án thua lỗ triền miên, gây thất thoát tiền ngân sách thời gian qua. Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nhà nước sẽ không "ném" tiền vào giải quyết tồn tại tại các dự án thua lỗ này. Vì thế, lãnh đạo Bộ, các tập đoàn phải tập trung, nêu trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý các dự án nghìn tỷ đắp chiếu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét