Ngày 5/6 mới đây, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC) nhận được thông tin về việc ngài Darin LaHood, Nghị sĩ Hoa Kỳ đã gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với MPC. Yêu cầu này được đưa ra dựa trên thông tin từ một thư điện tử gửi đến Nghị sĩ LaHood, cáo buộc MPC có khả năng đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Hoa Kỳ với xuất xứ tôm Việt Nam.
Thông tin trên khiến cổ phiếu MPC tiếp đà giảm mạnh, thống kê chỉ sau hơn 1 tuần giao dịch thị giá đã giảm hơn 20%, từ mức 43.000 đồng về còn 33.800 đồng/cp, vốn hoá tương ứng "bốc hơi" hơn 1.200 tỷ đồng.
Chính thức lên tiếng về điều này, MPC cho biết vẫn chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu gì từ CBP cũng như bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến cáo buộc và yêu cầu nói trên. Hiện, hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của Tập đoàn vẫn tiến hành thông quan bình thường.
Nói là vậy, MPC không phủ nhận việc có nhập khẩu tôm từ Ấn Độ với tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu nhằm bổ sung nguyên liệu chế biến, bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ tính đến hiện tại của Tập đoàn, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong tổng lượng tôm nhập đầu vào của MPC.
Do vậy, MPC cho rằng bức thư nói trên của Nghị sĩ LaHood chỉ đơn giản là một yêu cầu dựa trên cáo buộc từ một phía, chưa có bằng chứng và cũng không phải là một quyết định, kết luận của cơ quan Nhà nước về vấn đề này.
Thực tế từ năm 2004 MPC đã trải qua hơn 10 năm tham gia điều tra chống bán phá giá do POC tiến hành đối với tôm đông lạnh từ Việt Nam. Riêng lần này, dù CBP có khởi xướng điều tra hay không thì MPC vẫn khẳng định luôn nỗ lực tuân thủ pháp luật Hoa Kỳ cũng như quy định WTO.
Về MPC, quý 1/2019 với doanh thu Tập đoàn tăng hơn 10% lên 3.400 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tương ứng tăng mạnh, khiến lợi nhuận gộp điều chỉnh từ mức 385 tỷ (quý 1/2018) về 344 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh Công ty giảm mạnh hơn 30% về chỉ còn 344 tỷ đồng.
Tương ứng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ điều chỉnh đáng kể về xấp xỉ 87 tỷ, so với mức 102 tỷ cùng kỳ giảm 15%. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm MPC thực hiện chưa đến 4% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế với hơn 90 tỷ đồng.
Đặt kế hoạch cho năm 2019, theo đánh giá của MPC lượng tôm năm nay sẽ có sản lượng tốt, bởi tình hình khả quan năm 2018 sẽ kích thích dân nuôi tôm dẫn đến sản lượng dự kiến dồi dào. Mặt khác, năm 2018 do giá tôm giảm mạnh, dẫn đến DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thậm chí đóng cửa nhà máy, đồng thời việc huy động vốn từ nhà băng cũng bị hạn hẹp… kết quả là nguồn tôm nguyên liệu tăng, trong khi nhu cầu tại các nhà máy bị sụt giảm. Như vậy, nguồn nguyên liệu dồi dào kéo giá nguyên liệu giảm, lợi nhuận theo đó sẽ cao hơn.
Song song, đánh giá tình hình tôm tại Ấn Độ - thị trường cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam – giá tôm vụ 1 giảm mạnh khiến người nuôi tôm tại quốc gia này lỗ. Các doanh nghiệp chế biến tôm cũng thua lỗ theo, dẫn đến vụ 2 này Ấn Độ sẽ không tăng so với năm 2017, trong khi vụ 1 tăng 20%.
Với những luận điểm trên, kế hoạch năm 2019 Công ty dự kiến sản lượng đạt 77.400 tấn, tương đương 850 triệu USD kim ngạch. Chế biến xuất khẩu sẽ mang về 2.000 tỷ trước thuế. Ngoài ra, sau khi thử nghiệm công nghệ nuôi tôm mới, MPC dự nuôi 554 ao với sản lượng 11.080 tấn. Lợi nhuận nuôi tôm theo đó dự kiến đóng góp thêm 300 tỷ trước thuế. Tổng cộng, lãi trước thuế năm 2019 MPC kỳ vọng là 2.300 tỷ đồng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét