Báo cáo "Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước an toàn, sạch và bền vững" của Ngân hàng Thế giới nhận xét: áp lực gia tăng dân số và sự bùng nổ kinh tế đã làm tăng nhu cầu về nước ở Việt Nam. Khoảng 8,5 triệu người dân thành thị ở Việt Nam thiếu nước sạch, và ở khu vực nông thôn, khoảng 41 triệu người dân không có nguồn cung cấp nước sạch. Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước có thể làm giảm tới 6% GDP vào năm 2035 - gần bằng tốc độ tăng trưởng.
Hiện tượng thiếu nước ở Việt Nam đã tăng gần gấp ba lần từ năm 2009 đến 2015. World Bank dự báo trong vòng 25 năm nữa, cư dân thành thị dự kiến sẽ cần gấp đôi lượng nước mà hệ thống hiện tại có thể cung cấp - một dự báo đáng lo ngại khi dân số Việt Nam vẫn đang tăng đều, từ khoảng 60 triệu dân năm 1986 lên 97 triệu dân vào năm 2018.
World Bank lưu ý, vấn đề đảm bảo an ninh nước trong tương lai tại Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc đáp ứng một loạt các thách thức quan trọng như sự suy giảm nhanh chóng của chất lượng nước và rủi ro thảm họa liên quan đến nước gia tăng.
Báo cáo cũng cho biết, nhu cầu nước tăng nhanh của Việt Nam sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng về nước ở 11 trong số 16 lưu vực sông vào năm 2030 trong mùa khôi. Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang khiến các thách thức về đảm bảo nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế và đời sống xã hội tăng cao, đòi hỏi cần phải quản lý nguồn nước một cách hiệu quả. "Nếu Việt Nam không hành động ngay, tình trạng thiếu nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển", Giám đốc quốc gia của World Bank Việt Nam, ông Ousmane Dione cảnh báo.
Theo World Bank, năng suất sử dụng nước của Việt Nam rất thấp - đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chiếm tới 92% lượng nước sử dụng của Việt Nam. Ở Việt Nam, một mét khối nước chỉ tạo ra 2,37 USD, so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD.
Bốn lưu vực sông tạo ra 80% GDP của Việt Nam ( bao gồm sông Hồng và sông Thái Bình; sông Mê Kông; sông Đồng Nai và Đông Nam Bộ) sẽ đều phải đối mặt với hạn hán mùa khô vào năm 2030. Việt Nam khai thác quá mức nước ngầm và rơi vào tình trạng ô nhiễm nước, cơ sở hạ tầng cấp nước xuống cấp nghiêm trọng.
Để khắc phục tình trạng này này, điều quan trọng là Chính phủ phải tăng cường thực thi các quy định để cải thiện chất lượng nước và kiểm soát ô nhiễm. Song song với đó là sử dụng nước hiệu quả hơn, chẳng hạn như chuyển sang trồng trọt với hệ thống tưới tiêu công nghệ cao nhiều hơn, cũng là chìa khóa, giảm sử dụng nước thông qua đổi mới công nghệ và có cơ chế thuế quan phù hợp để tạo ra động lực sử dụng và sản xuất nước hiệu quả.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét