Đây là thực tế được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Tọa đàm “Giải ngân vốn đầu tư công, ODA: Minh bạch và hiệu quả” diễn ra chiều 18/8.
Nhiều lý do khiến “có tiền không tiêu được”
Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết công tác giải ngân vốn ODA trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 41.700 tỷ đồng (42% kế hoạch năm 2017), bằng khoảng 95% so với cùng kỳ 2016. Theo ông Khánh, thực trạng trên diễn ra với những nguyên nhân không mới.
Mỗi dự án được giải ngân phải trải qua rất nhiều khâu khác nhau như: thẩm định, phê duyệt, giao vốn, thực hiện, thanh quyết toán. Khi sự chậm trễ diễn ra ở một khâu trong quá trình sẽ khiến toàn bộ dự án bị kéo dài. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là việc chậm giải ngân thường diễn ra trong đầu năm như một “quy luật”. Ông Khánh cho rằng phong cách làm việc của các cơ quan, nhà thầu là lý do.
Chính sách tái đinh cư cũng khiến thời gian chuẩn bị dự án kéo dài. Dẫn số liệu thống kê từ 6 ngân hàng phát triển có hợp tác với Việt Nam, ông Khánh cho biết từ khi có khoản vay đến khi giải ngân phải mất tới 2 năm với nhà tư vấn và 3 năm với nhà thầu xây lắp. Bên cạnh đó, khi dự án được cơ quan chủ quản phê duyệt nhưng địa phương không đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch đầu tư hàng năm thì cũng không thể giải ngân vốn.
Đáng tiếc nhất là các dự án khi đã hoàn tất thủ tục thì trở ngại từ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lại khiến vốn bị dừng. Ví dụ được ông Khánh đưa ra là dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên. Từ 17.000 tỷ đồng nay được điều chỉnh thành 47.000 tỷ đồng, mức điều chỉnh quá lớn này buộc phải chờ đợi Quốc hội (cơ quan có thẩm quyền theo luật) quyết định.
Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Diệu Quân.
Dù vậy, cũng có những câu chuyện tưởng chừng như không liên quan cũng khiến việc giải ngân vốn bị chậm trễ. Trong quá trình khảo sát, nắm tình hình, ông Khánh phát hiện ra rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư còn đến từ việc không có cát xây dựng. Những thay đổi địa lý khiến cát không còn, giá nguyên liệu này bị tăng lên khi buộc phải vận chuyển từ xa tới khiến hợp đồng bị tăng vốn. Dự án bất đắc dĩ được tạm ngưng để tính toán lại toàn bộ chi phí.
Chia sẻ về việc chậm giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân cho biết thời tiết cũng là một nguyên nhân, bên cạnh những lý do như ông Khánh đã nêu ra trước đó. Ông Trần Quốc Phương kể rằng vùng khí hậu và ảnh hưởng của thời tiết khiến nhiều dự án không thể thi công. Do tạm nghỉ, không phát sinh khối lượng nên không thể lập hồ sơ thanh toán và không thể giải ngân vốn đầu tư công.
Điều chuyển vốn để nâng cao hiệu quả đầu tư
Ông Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 70 về điều chuyển vốn nhằm sử dụng hiệu quả toàn bộ nguồn vốn hiện có. Trong ngành, vốn sẽ được điều chuyển từ dự án này sang dự án khác. Một số dự án sẽ được báo cáo Chính phủ, Quốc hội để điều chuyển từ bộ này sang bộ khác, từ địa phương này sang địa phương khác.
Tuy nhiên, việc phải xin ý kiến cấp trên cũng khiến việc điều chuyển vốn không kịp thời. Vì những bất cập đó, ông Lưu Quang Khánh cho biết câu lạc bộ các giám đốc dự án đã được thành lập. Không chỉ là nơi chia sẻ cách làm hiệu quả, câu lạc bộ cũng trở thành lớp đào tạo, tập huấn nhằm tăng tính chuyên nghiệp của các ban quản lý.
Về sự tham gia của khu vực tư nhân, ông Khánh cho biết các quy định văn bản đang được xây dựng theo hướng thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân thay vì chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và vốn ODA để đầu tư dự án.
Theo ông Khánh, việc giải ngân chậm đang khiến đất nước thiệt hại rất lớn. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng đưa ra nghiên cứu cho rằng mỗi năm chậm trễ sẽ khiến chi phí tăng lên tới 17,5%. Trong đó, 6% do trượt giá và 15,5% do lợi ích của dự án bị suy giảm. Ngoài ra, nước vay ODA còn phải trả phí cam kết trị giá 0,15% khoản vay/năm cho ADB để được sử dụng vốn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét