Trong khi một hộ gia đình bình thường ở khu vực thành thị của Thái Lan uống khoảng 13 lít sữa mỗi tháng thì con số đó tại Việt Nam chỉ mới khoảng 7 lít.
Theo báo cáo gần đây của Kantar Worldpanel Việt Nam, thị trường các ngành hàng dinh dưỡng tiêu dùng nhanh tăng trung bình 10% mỗi năm trong 5 năm qua và được dự đoán sẽ đạt mốc 6 tỷ đô vào năm 2020.
Trung bình, một hộ gia đình Việt chi hơn 3% trong tổng thu nhập mỗi tháng cho các loại thực phẩm, thức uống dinh dưỡng tiêu dùng tại nhà. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở nông thôn, khi người dân có ý thức hơn đến sức khỏe.
Tuy nhiên nếu xét về lượng sữa tiêu thụ trung bình trong một tháng, người Việt đang uống sữa ít hơn hẳn so với người Thái. Trung bình, một hộ gia đình bình thường ở khu vực thành thị Thái uống khoảng 13 lít sữa nước mỗi tháng, trong khi tại Việt Nam, con số cho một hộ gia đình có trẻ em chỉ mới khoảng 7 lít. Tỷ lệ này thậm chí chỉ bằng 1/3 so với Singapore và kém xa mức tiêu thụ sữa của nhiều nước châu Âu.
Chế độ dinh dưỡng thiên về protein và ít canxi khiến Việt Nam được xem là quốc gia “thấp bé nhẹ cân”. Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2010 thì chiều cao trung bình của người Việt Nam là 164 cm đối với nam và 153,4cm đối với nữ, thấp hơn 2-3cm so với Thái Lan, Malaysia và 5-9sm so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore.
“Điều này gợi lên một số câu hỏi thú vị từ các nhà sản xuất đang tìm kiếm cơ hội giành thêm thị phần trong “miếng bánh” béo bở này đó là tại sao thị trường dinh dưỡng lại tiềm năng đến vậy và làm thế nào để nhảy vào”, ông David Anjoubault, Giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Việt Nam đặt câu hỏi.
Theo ông, người tiêu dùng Việt ngày càng hoài nghi các yêu tố truyền thông ảnh hưởng xung quanh họ từ tin tức, báo chí, quảng cáo, khuyến mại hay thậm chí là lời giới thiệu của những những người khác. Do đó việc xây dựng niềm tin với người tiêu dùng là điều tối quan trọng.
“Điều đầu tiên, hãy chắc chắn rằng sản phẩm của bạn được công nhận và thông tin sản phẩm có thể tìm kiếm một cách dễ dàng và nhanh chóng. Một cách khác cũng giúp chiếm được niềm tin của người tiêu dùng đó là gắn kết sản phẩm với các thành phần tự nhiên và an toàn”.
Ông Anjoubault lý giải sức khỏe sẽ luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Qua thời gian, họ không chỉ quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn ưu tiên các sản phẩm có thành phần tự nhiên, thậm chí sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm này.
“Sản phẩm có thành phần “tự nhiên và tốt cho sức khỏe” cũng như có nguồn gốc minh bạch rõ ràng là cách hiệu quả nhất để gia tăng lượng tiêu dùng”.
Một điểm đáng chú ý là hiện nay, bên cạnh các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em, các hãng cũng nên tập trung vào nhóm tuổi trên 50, được dự đoán chiếm trên 20% dân số vào năm 2020. Việc hỗ trợ nhóm này chăm sóc bản thân cũng như cung cấp các giải pháp để con cháu thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho họ là một chiến lược khả thi và dài hạn.
“Hiện nay tại Việt Nam, các sản phẩm nhắm đến nhóm tuổi này chưa nhiều và nhu cầu đón nhận các mặt hàng đa dạng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ở nhóm tuổi này là thực sự có. Đây sẽ là phân khúc tiềm năng cho các doanh nghiệp thực phẩm và thức uống nhảy vào!”, giám đốc điều hành Kantar Việt Nam kết luận.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét