Sau hàng chục năm theo chính sách một con, dân số Trung Quốc bắt đầu mất cân bằng. Số người trẻ ít hơn nhóm người già - vốn đòi hỏi chính sách phúc lợi của nhà nước.
Từ năm 2015, Trung Quốc đã nới lỏng và chấm dứt chính sách một con. Đây là nước đi không khó hiểu, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phát triển chậm lại.
Áp lực tuổi già
Trong lúc Trung Quốc nổi bật với nhân công giá rẻ, thậm chí "xuất khẩu" nguồn nhân lực sang các nước khác, họ lại đang đối mặt với vấn đề lao động.
Nhân khẩu học là một trong những vấn đề lớn nhất tại Trung Quốc, bên cạnh ô nhiễm không khí và "ngân hàng bóng tối" (shadow banking).
Khác với những thị trường đang bùng nổ, tỷ lệ phát triển dân số Trung Quốc đã giảm xuống còn 0,6%, tức khoảng 7 triệu người thay đổi mỗi năm theo thống kê của cơ quan nghiên cứu độc lập Morningstar. Các nhà nghiên cứu tại Morningstar hồi tuần trước cho biết họ ước tính tới năm 2030, tỷ lệ phát triển trên sẽ tụt xuống còn 0, tức mỗi năm tỷ lệ sinh và tử gần như nhau.
Đó chắc chắn không phải thống kê tốt, vì những thế hệ đi trước sẽ già đi, tạo gánh nặng lên tiền thuế của lớp trẻ để trang trải trợ cấp xã hội, y tế, bệnh viện... Điều tệ hơn là độ tuổi lao động chính (từ 15 tới 64) sẽ giảm thêm 23 triệu người trong vòng 10 năm tới. Điều này sẽ hạn chế tiềm năng phát triển kinh tế, đồng thời giảm lượng tiền thuế đóng cho chính phủ.
Và dù những con số này là dạng mục tiêu di chuyển do các tập đoàn có thể làm ra nhiều tiền hơn và "bù đắp" khoản thuế ấy, thì việc ít dân số mua sắm vẫn là vấn đề. Những nỗ lực mở rộng thị trường ra nước ngoài, thể hiện trong dự án "Con đường tơ lụa" của chính phủ, có thể là lối thoát, nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào việc các doanh nghiệp Trung Quốc lời lãi ra sao. Forbes lấy ví dụ rằng, liệu có thuyết phục người Georgia hay Kazakhstan mua thêm máy tính Lenovo hay thép Trung Quốc hay không.
Khó giải quyết
Tại Trung Quốc, sự phát triển kinh tế lại dựa khá nhiều vào các khoản đầu tư và tiết kiệm dành cho tuổi già của nhóm dân số già. Tuy nhiên khi họ bước qua ngưỡng nghỉ hưu mà không được hưởng chính sách phúc lợi đủ tốt, họ sẽ chi số tiền tiết kiệm ấy.
Morningstar cho biết ngân sách dành cho các hộ gia đình đã chấm dứt từ năm 2014. Tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc đã rất cao, đạt 50% trong năm 2010, nhưng có thể chỉ còn 35% tính tới năm 2026. Điều ấy có nghĩa, sắp tới tiền đầu tư, tiết kiệm sẽ giảm, kéo theo áp lực thiếu đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trước đây người già ở Trung Quốc được con cái phụng dưỡng, nhưng chính sách một con đã khiến áp lực cho giới trẻ giờ đây quá cao, và người già phải tự tiết kiệm. Đây là chuyện khác với tại Mỹ - nơi có dân số trẻ chiếm tỷ lệ đông hơn, an sinh xã hội tốt hơn.
Thêm vào đó, nước Mỹ cũng hưởng lợi từ sự "hỗ trợ" của dân nhập cư trong độ tuổi lao động. Điều này chắc chắn Trung Quốc không có được, do bản thân đất nước này đã mất cân đối về nhân khẩu học. Nhiều người bản địa cũng di chuyển về các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, nên áp lực sinh sống và làm việc rất cao, ít có chỗ cho lao động nhập cư. Trung Quốc đã giải quyết vấn đề người già bằng cách kéo dài độ tuổi lao động. Nhưng như thế cũng có nghĩa các khoản tiết kiệm cá nhân sẽ giảm.
Năm trước, đài Al Jazeera cũng có bài viết nhận định rằng việc Trung Quốc cho phép mỗi gia đình có hai con, thực tế diễn ra hơi chậm. Trong ngắn hạn, chính quyền sẽ khó giải quyết được tình trạng dân số già và thiếu hụt ở độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, những chính sách khác đi kèm để giải bài toán nhân khẩu học - việc làm cũng không được triển khai hiệu quả. Lấy ví dụ, tình trạng phân biệt đối xử, phân biệt giới tính trong khâu tuyển mộ cũng chưa được khắc phục. Đây cũng là những vấn đề mà nước Nhật đang phải đối mặt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét