Từ ngày 1/10 tới đây, giá hầu hết các loại dịch vụ hàng không đều tăng để bù đắp chi phí và lấy vốn tái đầu tư.
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: ACV
Thủ tướng: Hàng không đừng đổ hết lỗi cho hạ... ‘Siết’ kinh doanh hàng không vì hạ tầng chưa cho... Cấp Giấy phép kinh doanh lĩnh vực hàng không cần... Việt Nam đang triển khai hiệu quả các tiêu chuẩn...
Từ giữa 2015 đến nay, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã nhiều lần trình Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tăng phí dịch vụ hàng không. Cục Hàng không cũng đã nhiều lần thẩm định, trình Bộ GTVT ban hành mức giá mới. Vừa qua, Bộ GTVT đã chính thức có quyết định điều chỉnh giá dịch vụ hàng không. Như vậy, với Quyết định số 2345 ngày 8/8/2017 được Bộ trưởng Bộ GTVT ký thì mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam sẽ tăng.
Tăng phí “giờ đẹp”
Loại phí đầu tiên tăng theo Quyết định trên là sẽ áp phí cất/hạ cánh máy bay theo từng khung giờ. Giờ cao điểm phí cao, giờ thấp điều phí thấp, đồng thời mức phí này cũng căn cứ vào các chuyến bay cất/hạ cánh tại các cảng hàng không (CHK) nhóm A, B.
Theo đó, trong khung giờ bình thường, mức giá cất, hạ cánh áp dụng trong giai đoạn từ 1/10/2017 đến 30/6/2018 được điều chỉnh tăng 5% so với quy định hiện hành. Từ ngày 1/7/2018, mức giá này sẽ tiếp tục tăng thêm 10% nữa. Mức giá thu trong khung giờ cao điểm, sẽ áp mức thu bằng 115% giờ bình thường trong khi đó, tại khung giờ thấp điểm, con số này chỉ còn 85%.
Như vậy, trong khung giờ bình thường, mức giá cất, hạ cánh áp dụng từ ngày 1/10/2017 với tàu bay ATR70 là 698.000 đồng/lần, tàu A320, A321 là hơn 1,5 triệu đồng/lần, tàu A350, B787, B777, A330 khoảng hơn 5,8 triệu đồng/lần.
Các CHK nhóm C sẽ áp mức giá bằng 60% mức quy định đối với CHK nhóm A và B.
Về việc áp mức phí cất/hạ cánh theo khung giờ, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc quá tải vào các giờ cao điểm tại một số CHK hiện nay chủ yếu do sản lượng và tốc độ tăng trưởng quá lớn của chuyến bay quốc nội. Vì thế, áp chính sách giá cất/hạ cánh với chuyến bay quốc nội theo khung giờ sẽ tác động để các hãng hàng không nội địa điều chỉnh giờ bay, bảo đảm phù hợp với năng lực khai thác của các CHK.
Còn theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, mức giá dịch vụ cất/hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa đã được duy trì ổn định 5 năm (từ 2011 đến nay). So với bình quân khu vực ASEAN, giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay với chuyến bay nội địa của Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 47-68% tùy loại tàu bay.
Tăng giá phục vụ, soi chiếu an ninh
Từ 1/10, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ được áp mức 2 USD/khách đối với khách bay quốc tế so với mức 1,5 USD hiện nay.
Đối với khách bay quốc nội, việc điều chỉnh tăng sẽ được áp theo lộ trình 3 giai đoạn. Từ 1/10/2017 đến hết 31/12/2017, mức giá mới sẽ là 11.818 đồng/khách so với mức giá hiện hành là 9.090 đồng. Từ 1/1/2018 đến hết 31/3/2018, áp mức 13.636 đồng/khách và từ 1/4/2018 trở đi, mức giá áp dụng sẽ là 18.181 đồng/khách.
Phía ACV cho biết, mức thu hiện nay của Việt Nam thấp hơn so với khu vực ASEAN. Cụ thể, với hành khách bay quốc tế, Singapore đang áp mức 6 USD/khách, Myanmar 6,5 USD/khách, Campuchia 3 USD/khách và Trung Quốc là 2 USD/khách (cả quốc nội và quốc tế).
Khách bị từ chối nhập cảnh phải nộp đến 90 USD/khách/ngày
Đáng chú ý, Bộ GTVT đã quyết định bổ sung quy định mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại trên 24 giờ. Theo đó, nhà vận chuyển có hành khách bị lưu lại từ 24 giờ trở lên sẽ phải nộp 9 USD/khách/giờ hoặc 90 USD/khách/ngày. Quy định này được cho là sẽ tác động để hãng hàng không khẩn trương bố trí chuyến bay cho hành khách bị từ chối nhập cảnh sớm rời khỏi Việt Nam.
Về giá dịch vụ hành khách bay chuyến quốc tế, mức giá theo quyết định mới của Bộ GTVT cơ bản giữ nguyên, chỉ điều chỉnh tăng tại một số cảng mới được đầu tư nâng cấp như Đà Nẵng, Cát Bi và Vinh.
Theo đó, giá phục vụ hành khách tại Đà Nẵng (nhà ga quốc tế mới) là 20 USD/khách so với mức giá hiện hữu là 16 USD/khách. Mức giá này tại CHK Vinh và Cát Bi là 14 USD so với 8 USD/khách hiện nay.
Với các chuyến bay quốc nội, giá phục vụ hành khách sẽ được điều chỉnh tăng theo 4 giai đoạn. Cụ thể, từ 1/10/2017 đến hết 31/12/2017, mức thu áp dụng cho CHK nhóm A là 75.000 đồng/khách, nhóm B là 70.000 đồng/khách và nhóm C giữ nguyên như hiện nay là 60.000 đồng/khách. Như vậy, tại các CHK nhóm A, B, mức giá này đã tăng khoảng 7% so với hiện hành. Từ 1/1/2018 đến hết 31/3/2018, mức giá áp dụng tương ứng cho các cảng hàng không nhóm A, B, C là 80.000, 75.000 và 60.000 đồng/khách.
Từ 1/4/2018 đến hết 30/6/2018, khách bay nội địa tại các cảng hàng không nhóm A, B, C sẽ phải nộp tương ứng 85.000, 75.000 và 60.000 đồng/khách. Giai đoạn cuối cùng, mức giá cao nhất áp tại cảng hàng không nhóm A là 100.000 đồng/khách, nhóm B là 80.000 đồng/khách và nhóm C là 60.000 đồng/khách.
Lý giải cho việc tăng giá này, đại diện ACV cho hay, mức giá phục vụ hành khách quốc nội của Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng 57% mức giá tương ứng bình quân khu vực ASEAN.
Khung giờ cao điểm được tính là khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 90% trở lên so với giới hạn khai thác của cảng hàng không. Khung giờ thấp điểm được tính là các khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 0-30% so với giới hạn khai thác của CHK. Khung giờ bình thường là thời gian hoạt động trừ khung giờ cao điểm và thấp điểm. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm ban hành và chủ động cập nhật, công bố điều chỉnh khung giờ cao điểm, thấp điểm tại các cảng hàng không cho phù hợp với tình hình khai thác trong từng thời kỳ.
Cảng hàng không nhóm A gồm các cảng: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Phú Bài, Buôn Ma Thuột. Nhóm B là các cảng hàng không không thuộc nhóm A và nhóm C. Cảng hàng không nhóm C là các cảng phục vụ kinh tế, xã hội bao gồm: Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét