Trước những quy định mới của thị trường Hoa Kỳ, ngày 15/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes (bộ cá da trơn, chủ yếu là cá tra, ba sa...) xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Chương trình này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9.
Sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ công đoạn nuôi, thu hoạch, vận chuyển cá tới cơ sở chế biến, cho đến khâu chế biến, xuất khẩu. Sản phẩm phải đảm bảo yêu cầu liên quan đến 85 chỉ tiêu về thuốc thú y, 106 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, bốn chỉ tiêu về thuốc nhuộm, 17 chỉ tiêu về kim loại, tám chỉ tiêu về vi sinh, hóa học... dựa theo những chỉ tiêu mà phía Hoa Kỳ đã đưa ra.
Trong trường hợp có lô hàng bị cảnh báo chính thức từ Cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) sẽ yêu cầu cơ sở chế biến lô hàng thực hiện truy xuất nguồn gốc lô hàng, tổ chức điều tra nguyên nhân dẫn đến lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; thiết lập và thực hiện hành động khắc phục và có báo cáo gửi NAFIQAD. Đồng thời sẽ tạm dừng xuất khẩu sản phẩm cá da trơn sang Hoa Kỳ của cơ sở này.
Đối với lô hàng bị cảnh báo có liên quan đến vi phạm của cơ sở nuôi, NAFIQAD sẽ thông tin đến Tổng cục Thủy sản để thực hiện xác minh, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, làm rõ vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, đầu tháng 7/2017, Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) đã có thông báo về việc sẽ áp dụng chính thức quy định về nhập khẩu tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes từ ngày 2/8 thay vì 1/9 (thời điểm chính thức áp dụng như quy định tại Chương trình và các thông báo của FSIS trước đây).
Theo quy định trong Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, để tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ sau thời gian chuyển tiếp (đến hết 31/8), cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải cung cấp cho FSIS đầy đủ các tài liệu để chứng minh sự tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm với Hoa Kỳ cùng với việc trả lời Bản câu hỏi đánh giá tương đương (SRT).
Tuy nhiên, qua rà soát, các quy định hiện hành của Việt Nam chưa hoàn toàn tương đương với quy định của Hoa Kỳ. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chương trình này nhằm phục vụ cho việc đánh giá tương đương của Hoa Kỳ; đồng thời nhằm giảm thiểu những lô hàng xuất sang thị trường này bị trả về cũng như tránh gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Dự kiến, các nội dung của Chương trình sẽ được dẫn chiếu đưa vào bản SRT kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan đang được NAFIQAD hoàn thiện và dự kiến sẽ gửi cho FSIS trước ngày 20/8.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong sáu tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 176,4 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Do thuế chống bán phá giá cao nên chủ yếu chỉ có ba doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này với khối lượng và giá trị đáng kể.
VASEP cũng dự báo từ nay đến hết năm 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ có thể sẽ sụt giảm đáng kể.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét