Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế từ năm 2018- 2022, để lắp ráp cho nhóm xe chở người dưới 9 chỗ và xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống.
Ảnh minh họa
Cụ thể, giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 05 năm từ năm 2018-2022, có kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất lắp ráp (sản lượng chung cho các mẫu xe và sản lượng riêng cho một mẫu xe mà 1 doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết phải đạt được hàng năm) và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm, để lắp ráp cho 02 nhóm xe là: (1) Nhóm xe chở người dưới 9 chỗ, có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021), mức 5 từ năm 2022 trở đi; và (2) Nhóm xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021), mức 5 từ năm 2022 trở đi.
Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án giảm thuế như sau:
Phương án 1: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 163 dòng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu để lắp ráp cho 02 nhóm xe về 0%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Phương án 2: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 02 nhóm xe từ các mức 3%, 5%, 10%, 15% 18%, 20%, 25%, 30%, 32%, 45%, 50% xuống 0% (do đây là một số linh kiện, phụ tùng trong giai đoạn tới Việt Nam chưa thể sản xuất) và giảm thuế suất của 42 dòng thuế thuộc nhóm 8708 (bộ phận và phụ kiện của xe ô tô) để lắp ráp cho 02 nhóm xe nêu trên từ các mức 15%, 20% và 25% xuống 10%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống 9 – 11% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Theo Bộ Tài chính, về ưu điểm: Cả 02 phương án đều có các ưu điểm: Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất lắp ráp (SXLR) ô tô được hưởng lợi thế từ Chương trình ưu đãi thuế giảm chi phí, giảm giá bán để nâng cao sự cạnh tranh so với xe ô tô nhập khẩu để tăng sản lượng tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Việc yêu cầu các doanh nghiệp cam kết về sản lượng chung tối thiểu cho các mẫu xe thuộc Chương trình sẽ phải sản xuất, lắp ráp hàng năm theo lộ trình sẽ vừa là điều kiện ràng buộc để bảo đảm ngành SXLR ô tô trong nước tăng được dung lượng thị trường với tỷ lệ tăng trưởng nhất định hàng năm, tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển sản xuất tại Việt Nam.
Đồng thời khuyến khích phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ thông qua việc tăng nhu cầu đối với linh kiện sản xuất trong nước.
So sánh 02 phương án, phương án 1 sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào nhiều hơn phương án 2, với mức độ ưu đãi thuế nhập khẩu cao hơn nên tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc đạt được sản lượng đề ra của Chương trình.
Nhược điểm của cả 02 phương án là một số doanh nghiệp không có chủ trương mở rộng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ khó khăn do không được hưởng mức thuế suất 0% khi nhập khẩu bộ linh kiện để lắp ráp, các Công ty này sẽ thu hẹp sản lượng SXLR và dần chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc để kinh doanh thương mại. Theo đó, sẽ thu hẹp số lượng doanh nghiệp SXLR.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với đề xuất này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét