Nhờ tính phí khách đến thăm quan, Civita di Bagnoregio – thị trấn trung cổ gần như biến mất ở Ý đã hồi sinh một cách mạnh mẽ.
Trong khi lãnh đạo của một số điểm đến du lịch nổi tiếng nhất châu Âu đang suy nghĩ về những cuộc biểu tình phản đối du lịch gần đây, thì họ có thể lấy cảm hứng thị trưởng của Civita di Bagnoregio, một ngôi làng nằm trên cao nguyên đá núi lửa được bao bọc bởi những khe núi sâu thuộc vùng Lazio của nước Ý.
Phương án táo bạo
Francesco Bigiotti, người quản lý thị trấn Bagnoregio, đã đưa ra quyết định mà những thị trưởng khác còn e ngại: Bất cứ ai muốn đi qua cây cầu dành cho người đi bộ để đến thăm quan ngôi làng thời trung cổ của ông đều phải trả tiền.
Civita, một khu định cư nhỏ cách Rome khoảng 74 dặm về phía Bắc, được thành lập bởi người Etruscan hơn 2500 năm trước, là thị trấn duy nhất ở Ý tính phí thăm quan. Phí thăm quan 1,5 Euro được đưa ra vào năm 2013 và đã tăng lên vào đầu tháng 8 này.
Hiện tại, những du khách phải trả 3 Euro vào các ngày trong tuần và 5 Euro vào ngày Chủ nhật hoặc ngày lễ. Nếu chịu trả thêm tiền, họ có thể được trải nghiệm một tour du lịch riêng vòng quanh ngôi làng – nơi dân số quanh năm chỉ là 10 người – hoặc món tráng miệng bruschetta và một ly rượu.
Các nhà chức trách ở Venice, nơi vừa diễn ra một cuộc biểu tình với sự tham gia của khoảng 2000 người phản đối du lịch đại chúng vào tháng 7 năm nay, từ lâu đã nghĩ tới phương án tính phí thăm quan một trong những tài sản giá trị nhất của họ, quảng trường St Mark, nhưng ý tưởng này luôn gây ra quá nhiều tranh cãi.
Gặt hái quả ngọt
Bigiotti đã tán dương sáng kiến của ngôi làng của mình. Trùng hợp là số lượng khách du lịch đến với Civita di Bagnoregio cũng tăng lên, dự kiến sẽ thu hút 850.000 người trong năm nay, so với con số 40.000 người vào năm 2010.
Ông Bigiotti chia sẻ: “Giá vé không làm nản lòng du khách một chút nào cả. Trên thực tế, nó đã làm gia tăng chất lượng du lịch. Theo một cách nào đó, nó khiến cho địa điểm du lịch trở nên có giá trị hơn. Kể cả những khách du lịch cũng cẩn trọng hơn, họ ở lại lâu hơn và tỏ ra tôn trọng hơn.”
Hệ thống bán vé không chỉ cho phép Bigiotti giám sát lượng khách du lịch, nó còn giúp ông thực hiện được một kỳ tích nữa: Ông đã bãi bỏ thuế công, tương đương với thuế hội đồng, ở cả Civita và Bagnoregio với tổng dân số 3650 người. Ông cũng tự hào về tỷ lệ thất nghiệp 0% nhờ 400 việc làm mới được tạo ra thông qua sự xuất hiện của khoảng 200 cửa hàng liên quan đến du lịch trong vài năm qua.
Ông cho biết: “Bagnoregio là thị trấn duy nhất ở Ý nơi bạn không phải trả thuế công. Chúng tôi có thể cải thiện dịch vụ địa phương – dịch vụ ý tế tốt hơn, có phương tiện di chuyển cho người khuyết tật. Chúng tôi đang cố gắng sống tự lập nhờ du lịch và văn hóa. Thật sự, đó là một phép màu.”
Quả thực, phép lạ đã xảy ra. Civita được biết đến là “thị trấn đang hấp hối” do các thiên tai như động đất, sạt lở đấy và lũ lụt đe dọa sự sống còn của nó từ thế kỷ 17. Nhưng biệt danh chết chóc đó lại trở thành một chiến lược tiếp thị lợi hại cho thị trấn này.
Trước sự đe dọa của thiên nhiên, Civita đã có những nỗ lực để tiếp tục ‘sống sót’. Một phần của tiền vé thăm quan cũng được sử dụng để bảo tồn vẻ đẹp mong manh của thị trấn này. Thêm vào đó những người có ảnh hưởng văn hóa lớn như nhà soạn nhạc đoạt giải Oscar Ennio Morricone và đạo diễn Bernando Bertolucci đã ủng hộ một cuộc kêu gọi để Civita được trao danh hiệu di sản thế giới của UNESCO. Chính quyền vùng Lazio cũng đã cam kết đầu tư nhiều hơn để bảo tồn thị trấn này, nơi ngày càng được công nhận rộng rãi là một viên ngọc quý về văn hóa và lịch sử.
Các loại xe cộ khác không thể vào được trong thị trấn Civita, ngoại trừ xe mô-bi-lét và một số máy kéoo được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng và chất thải hoặc để chở nguyên liệu đến cho các nhà hàng và quán bar. Nhưng một khi đi qua lối vào chính – một cổng đá khổng lồ - thì du khách như lạc vào thế giới trung cổ.
Quảng trường chính có một tháp chuông và nhà thờ từ thế kỷ 13. Các con phố hẹp của thị trấn và các căn nhà bằng đá được bảo tồn một cách tỉ mỉ. Có một vài nhà nghỉ nhỏ dành cho những người muốn ở lại qua đêm, trong khi đó phần lớn nhà cửa ở đây đã được biến thành biệt thự nghỉ dưỡng.
Với việc không có bưu điện, siêu thị, nhà thuốc, bệnh viện hay trường học, tài chính của Civita ở thời điểm hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch. Nhờ du lịch, Civita không chỉ hồi sinh cho chính mình mà còn làm hồi sinh cả khu vực. Và đó cũng chính là nguồn tài nguyên mà Bigiotti sẽ tiếp tục tận dụng và chú ý tới trong tương lai.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét