Trong 4 thập kỷ qua, Trung Quốc từ một nhà cung cấp lao động rẻ trở thành một trong 3 mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu bên cạnh Mỹ và Đức.
Mặc dù những lo ngại về khoản nợ của các tập đoàn Trung Quốc (gần 170% GDP) và khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình đang ngày càng gia tăng, quá trình số hóa nhanh chóng sẽ cho phép nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tiến lên trong chuỗi giá trị.
Sau chiến lược mở cửa gần 40 năm trước, Trung Quốc đã cung cấp nguồn đất và lao động rẻ. Nó cho phép quốc gia này đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô trong sản xuất tiêu dùng. Sau đó, khi Trung Quốc trở thành nước có thu nhập trung bình, nó trở thành một thị trường tiêu thụ lớn của riêng mình.
Vào năm 2012, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã nhận ra rằng “lợi tức dân số” (lợi ích kinh tế có được từ biến đổi dân số) đã đi đến hồi kết. Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt “bước ngoặt Lewis”, giai đoạn lao động thặng dư cạn kiệt và lương bắt đầu tăng lên. Đồng thời, “lợi tức mở cửa” cũng đã chín muồi và đang gặp phải rào cản bảo hộ trên toàn thế giới.
Trung Quốc vẫn có thể tiếp cận các thị trường mới thông qua các nỗ lực như sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” nhưng với chi phí rất lớn. Duy trì tăng trưởng nhanh đòi hỏi tiếp tục tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thực hiện thêm các cải cách kinh tế và tập trung vào các công nghệ mới.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của chính phủ Trung quốc (2016 – 2020) phản ánh cam kết với phân bố nguồn lực của thị trường và giảm chi phí kinh doanh. Vào năm 2015, các sáng kiến “Made in China 2025” và “Internet Plus” của chính phủ đã báo hiệu quyết tâm đưa nền sản xuất của nước này tiến tới thời đại Internet. 2 kế hoạch này nhằm mục đích tích hợp trí tuệ nhân tạo, robots và các phương tiện truyền thông mạng xã hội vào quá trình sản xuất và số hóa nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc.
Kể từ năm 2015, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thương mại điện tử trên toàn thế giới, với việc mua sắm trực tuyến chiếm 18% tổng doanh số bán lẻ, so với chỉ 8% ở Mỹ. 3 nền tảng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent đã phát triển đến trình độ chúng bắt đầu cạnh tranh với các ông lớn về công nghệ ở Mỹ là Amazon, Apple, Facebook, Google và Netflix.
Thêm vào đó, theo iResearch, thanh toán di động ở Trung Quốc đã đạt đến 5,5 nghìn tỷ USD, gấp khoảng 50 lần ở Mỹ. Ở hầu hết các thành phố ở Trung quốc, những ứng dụng ví điện tử trên điện thoại đang thay thế tiền mặt trở thành phương thức thanh toán chính.
Bí quyết của sự thành công
Bước nhảy vọt của Trung Quốc vào thời đại số được tạo điều kiện bởi sự kết hợp giữa công nghệ vật lý, kỹ thuật số và các mô hình kinh doanh mới.
Theo một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Bruegel, Trung Quốc đã chi vào R&D (tính theo tỷ lệ % GDP) nhiều hơn EU. Quốc gia này đang xuất bản số lượng ấn phẩm khoa học ngang với Mỹ và có thêm nhiều tiến sĩ về khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Bằng cách tinh giản trao đổi thông tin và tạo điều kiện phối hợp giữa các nhiệm vụ phức tạp, ứng dụng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc với 938 triệu người dùng tính đến quý I năm 2017 đã góp phần nâng cao năng suất lao động vượt bậc cho quốc gia này.
Theo Boston Consulting Group, các mô hình kinh doanh của các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc đã phát triển khác với ở các nước phương Tây, vì họ đã phản ứng với sức mạnh chi tiêu đang tăng lên nhanh chóng và sự nhiệt tình dành cho đổi mới của người tiêu dùng Trung Quốc.
Được chính phủ khuyến khích thử nghiệm với các mô hình kinh doanh dựa vào Internet, các công ty Trung Quốc đang làm xáo trộn các phương thức truyền thống. Sự thay đổi này diễn ra nhanh chóng đến mức kể cả chính phủ cũng đang cảm nhận áp lực cần phải bắt kịp doanh nghiệp bằng cách áp dụng các công nghệ mới như blockchain và AI.
Thanh toán điện tử là yếu tố chính giúp giảm chi phí giao dịch và kinh doanh ở Trung Quốc, vì chúng nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực bán lẻ, nơi giá cả vẫn có thể cao hơn ở Mỹ ngay cả khi các sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các vụ lừa đảo và sự thất bại của một số nền tảng mạng ngang hàng (P2P) cho thấy cần phải có những quy định chặt chẽ hơn để duy trì sự ổn định hệ thống.
Khi ngày càng nhiều hoạt động được số hóa, sự hội nhập của Trung Quốc vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ xuất hiệu ngày càng nhiều trong không gian kỹ thuật số. Các nhà sản xuất Trung Quốc có thể áp dụng công nghệ in 3D, robot hóa, dữ liệu lớn và AI ở cấp địa phương trong khi vẫn tiếp tục khai thác được thị trường toàn cầu và tiếp nhận các ý tưởng và kỹ năng từ nước ngoài. Hiện nay có vô số các khả năng để phân chia quá trình sản xuất và tiêu dùng thành các giai đoạn riêng biệt mà không phải cách làm nào cũng đem lại kết quả tích cực. Do đó, điều này cũng có nghĩa là sự thành công của nền kinh tế kỹ thuật số mới sẽ đi kèm với nhiều thất bại.
Tiến thoái lưỡng nan
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống tiến thoái lưỡng nan về kỹ thuật số trong những năm tới.
Nhiều dịch vụ công cộng ở Trung Quốc như các hãng hàng không, đường sắt, cảng và viễn thông là những sản phẩm đơn lẻ do các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) quản lý. Tuy nhiên, các ông lớn công nghệ mới là những nền tảng đa sản phẩm, đa kênh ở nhiều lĩnh vực bao gồm sản xuất, phân phối, thanh toán và quản lý tài sản. Các nhà lãnh đạo cần phải thay đổi mô hình kinh doanh của các SOEs để có thể cạnh tranh sản xuất với các công ty công nghệ.
Thêm vào đó, số hóa tốt cho người tiêu dùng, nhưng có thể có tác động xấu tới việc làm và ổn định xã hội. Trong một Trung Quốc kỹ thuật số, chắc chắn sẽ có người chiến thắng và kẻ thất bại. Những những người lao động bị thay thế càng sớm thích nghi với thực tế mới thì hệ thống sẽ càng khỏe mạnh.
Sự chuyển đổi của Trung Quốc sang nền kinh tế tri thức chiếm vị trí trung tâm trong chuỗi giá trị toàn cầu và sẽ mang lại “lợi tức cải cách”. Sự chuyển đổi này lý thú bao nhiêu thì nó càng nguy hiểm bấy nhiêu. Chưa một nền kinh tế lớn nào trải qua thay đổi sâu rộng một cách nhanh chóng như vậy và đi kèm với nó tất nhiên là rất nhiều rủi ro.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét