Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Các chuyên gia cho rằng nên cắt giảm số công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về" để có nguồn tiền để tăng lương, thậm chí có thể vay ODA để cải cách hệ thống này...

Trong hội thảo "Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương" được tổ chức tuần này, bên cạnh những bất cập của hệ thống tiền lương hiện nay thì một trong những vấn đề được nhiều lãnh đạo bộ, ngành cũng như chuyên gia trăn trở chính là việc lấy nguồn tiền ở đâu để tăng lương, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang gặp không ít khó khăn. 

Ông Đặng Như Lợi, nguyên vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết, tính đến hết 2015, số đối tượng áp dụng chế độ tiền lương theo quy định hiện hành (không tính lực lượng vũ trang) xấp xỉ 2,73 triệu người. Trong đó, những người làm việc trong cơ quan hành chính quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên là 310.000 người, cán bộ công chức cấp xã 256.000 người, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp hưởng phụ cấp là 302.000 người, còn lại là nhóm làm trong cơ quan Đảng, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp công lập...

Ông cho rằng, với những cán bộ, công - viên chức đang làm việc có trách nhiệm, hiệu quả thì mức lương này là quá thấp, trong khi với những người có thái độ, năng lực không tốt thì con số đó lại là quá cao.

Các chuyên gia cho rằng nên cắt giảm hơn 700.000 công chức không làm được việc để lấy nguồn 
tiền tăng lương. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông

Đồng quan điểm đó, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng tình trạng công chức 'sáng cắp ô đi tối cắp về' khá nhiều trong khi bộ máy vẫn thiếu nhân tài và chảy máu chất xám. "Theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức không làm được việc, tương đương 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm", ông Lợi cho hay.

Nhiều chuyên gia đều đề xuất phương án cắt giảm số công chức này để lấy nguồn tiền cải cách tiền lương cho những người làm việc tốt. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Cầu - nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn lực, Đại học Kinh tế Quốc dân có đưa ra giả định trong trường hợp năm 2017 mức lương cơ sở sẽ gần bằng lương tối thiểu vùng (lương áp dụng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước), nghĩa là tăng gấp 3 lần hiện nay. Nếu Việt Nam giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức và viên chức như hiện này thì cần một khoản ngân sách bổ sung là 400.000 tỷ đồng. Vì vừa qua, để tăng lương cơ sở thêm 60.000 đồng ngân sách đã phải bổ sung thêm khoảng 11.000 tỷ. 

"Nếu giảm được một phần ba số cán bộ, công - viên chức không làm được việc, "con ông cháu cha"... thì nguồn ngân sách chỉ cần bổ sung thêm 300.000 tỷ đồng, một con số mà theo đánh giá của tôi là Chính phủ có thể làm được", ông Cầu cho hay.

Với mức tăng đó, hiện nay một giáo sư, giảng viên cao cấp hay chuyên viên cao cấp hết bậc (bậc 8), một tháng có thể nhận lương 28-30 triệu đồng cũng không phải là quá xa vời thực tế.

Bên cạnh đề xuất cắt giảm công - viên chức, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nên chuyển đổi các mô hình sự nghiệp công lập theo đúng bản chất của đơn vị dịch vụ công. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện có khoảng khoảng 2,2 triệu người đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhà nước nên thực hiện khoán chi phí dịch vụ theo kết quả đầu ra, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị, không phân biệt đơn vị nhà nước hay tư nhân, phải lấy kết quả làm thước đo và tính toán lương.

Còn theo ông Thang Văn Phúc - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, để tạo nguồn tiền tăng lương nên rà soát chi tiêu công, thực hiện nghiêm chế độ tiết kiệm, thực hiện xã hội hóa các loại hình dịch vụ công, giao quyền tự chủ cho các tổ chức này ... Ông còn đề xuất Chính phủ tính tới việc sử dụng thêm vốn vay ưu đãi ODA cho cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, trong hội thảo, các chuyên gia cũng thừa nhận, bên cạnh bộ phận công chức bị ảnh hưởng lớn bởi cơ chế lương hiện nay thì nhiều người khác vẫn không chịu tác động gì.

"Một bộ phận đội ngũ công chức hành chính, đặc biệt những người có chức vụ dù lương thấp nhưng thực tế thu nhập lại cao. Điều đó chứng tỏ có nhiều khoản thu nhập ngoài lương, trong đó nhiều khoản thu nhập công khai có nguồn gốc từ ngân sách. Nếu đưa những nguồn thu này vào tiền lương sẽ làm cho tiền công chức cao hơn và minh bạch hơn", ông Bùi Sỹ Lợi cho ý kiến.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Đặng Như Lợi là do nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị không xác định được khối lượng công việc và không xác định được cơ cấu công chức theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ra sao. Do đó, việc phân bổ ngạch lương chủ yếu mang tính cơ học, xin - cho hoặc chức vụ và tầm ảnh hưởng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét