Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Sau thời kỳ suy tàn, nhiều thương hiệu cố gắng mang smartphone nắp gập trở lại. Chúng chủ yếu phục vụ nhóm khách hàng đặc trưng, không phải sự trỗi dậy của xu hướng cũ.

Thương hiệu di động Nhật FreeTel vừa trình làng mẫu điện thoại nắp gập Musashi tại Việt Nam. Đây được xem là model hàng hiếm trên thị trường. Trên các kệ hàng tại Việt Nam, khoảng 5 năm trở lại đây, điện thoại vỏ sò hay bàn phím QWERTY đang vắng bóng dần.

Điện thoại nắp gập từng là xu thế của làng di động. Đầu thế kỷ 21, thiết kế này được ưa thích bởi tính thời trang, bàn phím cứng, sự bền bỉ.

Thiết kế biểu tượng một thời

Năm 2004, Nokia từng xem điện thoại nắp gập là giải pháp để giành lại thị trường, họ tung một lúc 5 điện thoại nắp gập, với những mẫu huyền thoại một thời như 6170, 6620,... đáp ứng nhiều tính năng cao cấp thời kỳ đó, mặt khác, vẫn tập trung ổn định khả năng nghe gọi, nhắn tin.

Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, nhiều chiếc điện thoại "vỏ sò" mang tính biểu tượng xuất hiện, Motorola với Razr V3, Samsung với E700...

Nokia 6260, biểu tượng thời trang và sức mạnh một thời.

Gần 10 năm phát triển, điện thoại nắp gập, cũng như các mẫu điện thoại cơ bản khác, đột ngột bị "bức tử" bởi trào lưu smartphone. Từ bị cạnh tranh ban đầu, xu hướng rẻ hóa di động thông minh dần khiến người dùng quay lưng nhanh chóng với những mẫu điện thoại khác biệt với số đông.

Năm 2009, công ty nghiên cứu Strategy Analytics công bố bảng khảo sát người dùng di động trước và sau khi iPhone ra mắt, cho thấy những kết quả khác biệt.

Theo đó, vào năm 2006, một năm trước khi iPhone ra mắt, thuật ngữ điện thoại phong cách "khối chữ nhật", với phong cách màn hình cảm ứng chiếm toàn bộ mặt trước, vẫn chưa được phổ biến. 80% người dùng khi đó cho biết họ muốn mua một thiết bị nắp gập.

Tuy vậy, đến năm 2008, con số đó rơi xuống 64%.

Xu hướng điện thoại nguyên khối, phẳng giết chết dần các thiết kế khác, mà điện thoại nắp gập là một ví dụ. Ảnh: Majahuse.

"Sự sụt giảm đến từ những xu hướng thiết kế khác, như điện thoại trượt với bàn phím QWERTY, và nhất là điện thoại hình khối chữ nhật, cơ bản là iPhone", Chris Schreiner, chuyên gia phân tích cao cấp tại công ty này cho biết.

Khi trào lưu smartphone, mạng xã hội được phát triển và nâng cấp không ngừng, điện thoại nắp gập dường như vẫn đứng yên tại chỗ và vừa lòng với các chức năng, kết nối cơ bản.

Sứ mệnh mới của smartphone nắp gập
Bên cạnh nhóm điện thoại nắp gập nhỏ lẻ, ít tên tuổi vẫn cố gắng duy trì sức sống trên thị trường, các nhà sản xuất lớn cũng cố gắng tìm lại hào quang một thời của thiết kế này.

Năm 2014, LG thử nghiệm với Wine Smart, điện thoại nắp gập chạy Android và thiết kế da khá đẹp mắt, trước đó, họ có mẫu Gentle với giá rẻ. Cuối năm ngoái, Samsung tung ra SM-G9198 có hai màn hình 3,9 inch, hỗ trợ 4G LTE và máy ảnh 16 MP tại Mỹ.

Đầu tháng 9, Samsung tiếp tục có Folder 2 sở hữu bàn phím vật lý kết hợp cùng màn hình công nghệ TFT LCD. Bên cạnh các tính năng cơ bản, sản phẩm này sẽ hỗ trợ các chuẩn kết nối, ứng dụng mạng xã hội cơ bản.

Năm nay, nhiều sản phẩm Samsung nắp gập liên tục rò rỉ thông tin, đầu tiên là sản phẩm tên mã "Veyron" được mệnh danh là Note 7 có bàn phím.

Các tên tuổi nhỏ hơn không nằm ngoài trào lưu nay, đầu năm, Gionee W909 xuất hiện, FreeTel cũng tung ra mẫu Musashi với thiết kế phong cách nắp gập.

Điểm chung của các sản phẩm này là cố gắng kết hợp trào lưu màn hình cảm ứng và thiết kế gập, hơn là tạo ra những sản phẩm nhỏ gọn, cơ bản.

Theo nghiên cứu từ một hãng điện thoại, lượng người dùng điện thoại cơ bản ở Việt Nam vẫn còn lớn. Họ thuộc lứa tuổi trung niên, có nhu cầu sử dụng máy chất lượng cao, tuy vậy đã quen với các thiết kế cũ, còn ngần ngại khi chuyển sang smartphone cảm ứng.

Nhóm người dùng khác ưa chuộng thiết bị này là những người hoài cổ, thích sản phẩm đặc biệt, muốn tạo ấn tượng với số đông.

"Đó là thị trường ngách lớn và độc đáo, lượng người dùng trung niên vẫn giữ thói quen sử dụng điện thoại cũ, và thiết bị nắp gập cảm ứng sẽ giúp họ làm quen với smartphone trong khi vẫn giữ được thói quen cũ", ông Kaoru Masuda, CEO của FreeTel nói với Zing.vn trong một sự kiện ở Sài Gòn.

Nắm bắt điều đó, nhiều tên tuổi thừa nhận các sản phẩm nắp gập chỉ mang tính chất làm thương hiệu, không đặt nặng mục tiêu doanh số.

Còn sau đó, họ vẫn phải tung ra các thiết bị "màn hình phẳng", cấu hình cao theo nhu cầu thị trường.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét