Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Toà Trọng tài Thể thao (CAS), hôm 4/10, ra phán quyết về đơn kháng án của "Búp bê Nga" sau vụ cô dùng chất cấm hồi đầu năm.

Maria Sharapova bị xét nghiệm dương tính với meldonium khi dự Australia Mở rộng hồi đầu năm. Tay vợt 29 tuổi thoạt đầu nhận án phạt cấm thi đấu hai năm từ Liên đoàn Quần vợt Thế giới (ITF).

Tuy nhiên, theo phán quyết mới nhất của CAS, nơi thụ lý đơn kháng cáo của Sharapova, án phạt dành cho cô được giảm xuống còn một năm rưỡi. "Búp bê Nga", vì thế, được phép trở lại thi đấu từ ngày 26/4/2017.

"Tôi đếm từng ngày đến thời điểm mình có thể trở lại", Sharapova nói sau khi biết phán quyết của CAS. "Án phạt, nói gì đi nữa, cũng khiến tôi có cảm giác như bị tước đi một điều gì đó mình yêu quý. Vì thế, thật tốt khi giành lại được nó. Quần vợt là niềm đam mê của tôi. Tôi rất nhớ cảm giác được chơi môn thể thao này".

Masha gần đây vẫn xuất hiện ở nhiều sự kiện, là tâm điểm chú ý, nhưng cô luôn không vui vì phải xa rời niềm đam mê chơi quần vợt. Ảnh: AFP.

Meldonium, dược chất còn được gọi bằng tên khác là mildronate, có trong thuốc chữa bệnh tim mạch, mới được Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) đưa vào danh mục cấm sử dụng trong thi đấu thể thao từ ngày 1/1/2016.

Sharapova thừa nhận dùng chất này từ năm 2006 vì lý do sức khoẻ, nhưng nhấn mạnh rằng cô "không cố ý dùng dược chất kích thích". Tay vợt Nga quả quyết cô và ê-kíp hỗ trợ không hề biết chuyện mildronate mới bị WADA cấm.

Với những lý lẽ ấy, Sharapova, trong đơn kháng cáo gửi lên CAS, nói rằng cô không thể chấp nhận "bất công nặng nề" như án phạt cấm thi đấu hai năm từ ITF.

Sau khi xem xét, hội đồng CAS kết luận trường hợp của Sharapova "không phải là một VĐV cố tình gian lận", những cũng nói thêm rằng tay vợt Nga "chịu lỗi nặng với hành vi vi phạm của cô". Lỗi của Sharapova, theo CAS, là "không cung cấp những chỉ dẫn đầy đủ" cho các trợ lý trong quá trình kiểm tra danh mục chất cấm của WADA, và "không tư vấn, kiểm soát" các trợ lý.

Sharapova lần đầu vô địch Grand Slam từ năm 2004, khi đăng quang ở Wimbledon ở tuổi 17. Cô sau đó lần lượt vô địch thêm ở Australia Mở rộng, Roland Garros và Mỹ Mở rộng để có trọn bộ sưu tập bốn danh hiệu Grand Slam.

Án phạt với Sharapova được tính từ ngày 26/1/2016. Cô nhờ đó kịp trở lại thi đấu để hướng đến việc tranh tài ở giải Roland Garros vào tháng 5/2017.

Sharapova có thể kịp trở lại thi đấu tại Roland Garros - giải Grand Slam thứ hai trong năm - 2017.

"Hồi tháng 3, tôi trải qua một trong những ngày tồi tệ nhất khi được biết về án phạt cấm thi đấu. Còn hôm nay là một trong những ngày hạnh phúc nhất đời tôi, khi tôi biết mình có thể trở lại thi đấu từ tháng Tư tới", Sharapova không giấu hân hoan sau khi được CAS giảm án.

"Tôi đã rút ra nhiều bài học từ vụ này, và tôi hy vọng ITF cũng thế. CAS kết luận rằng 'họ không đồng tình với rất nhiều chi tiết trong kết luận của ban kỷ luật ITF' đối với tôi. Tôi nhận trách nhiệm ngay từ đầu, vì không biết chất mình dùng suốt 10 năm qua mới bị cấm. Nhưng tôi cũng thấy rằng các Liên đoàn thể thao khác làm tốt hơn ở khâu thông báo cho VĐV của họ về thay đổi luật, nhất là ở Đông Âu, nơi có hàng triệu người sử dụng mildronate", cô nói thêm, hướng mũi dùi công kích về phía ITF.

"Dù sao thì chuyện cũng qua rồi. Tôi chỉ hy vọng ITF và các bộ phận chống doping trong quần vợt có liên quan nghiên cứu, học tập quy trình của nhiều Liên đoàn Thể thao khác, để không còn tay vợt nào phải chịu khổ nạn như những gì tôi vừa trải qua", Sharapova nhấn mạnh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét