Cuộc cạnh tranh của Ấn Độ với Trung Quốc nhằm giành ảnh hưởng chiến lược trong khu vực bước vào giai đoạn mới...
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Khi Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông qua một kế hoạch trị giá 256 triệu USD để nâng cấp một tuyến đường biên giới xa xôi hồi tháng trước, hầu như chẳng mấy ai chú ý.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, quyết định của Ấn Độ khởi động lại kế hoạch nâng cấp con đường quốc lộ trên đánh dấu giai đoạn tiếp theo trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc nhằm giành ảnh hưởng chiến lược trong khu vực. Con đường này là một phần trong tuyến đường tham vọng dài 1.360 km nói giữa Đông Bắc Ấn Độ với Myanmar, tới Mae-Sot, Thái Lan và xa hơn nữa về phía Đông Nam Á.
Chỉ riêng trong 2 năm qua, Ấn Độ đã ký số hợp đồng trị giá hơn 4,7 tỷ USD để phát triển các con đường ở biên giới, bao gồm tuyến đường nói trên.
Việc xây dựng những con đường này càng trở nên cấp bách khi Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến cơ sở hạ tầng mang tên “Một vành đai, một con đường”, hay còn gọi là con đường tơ lụa mới. Sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng dự kiến sẽ có tổng trị giá hơn nửa nghìn tỷ USD và trải rộng khắp 62 quốc gia.
Mạng lưới đường bộ, đường sắt và kết nối thương mại mà Trung Quốc vạch ra trong kế hoạch con đường tơ lụa đã khiến các đối thủ chiến lược của nước này như Ấn Độ, Nga, Mỹ và Nhật Bản lo ngại. Một trong những điểm gây lo ngại nhất của kế hoạch này nằm ở hành lang kinh tế chạy qua khu vực do Pakistan kiểm soát ở Kashmir - lãnh thổ mà cả Ấn Độ và Pakistan cùng tuyên bố chủ quyền, nơi căng thẳng về biên giới luôn âm ỉ.
“Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quan tâm đến khu vực này và Trung Quốc ngày càng giàu lên, thì ảnh hưởng của họ cũng vượt ra khỏi biên giới của họ”, nhà nghiên cứu K. Yhome thuộc Observer Research Foundation ở New Delhi phát biểu. Theo ông Yhome, khi Trung Quốc mở một hành lang kinh tế Bắc Nam trong khuôn khổ sáng kiến con đường tơ lụa, thì Ấn Độ cũng phải thiết lập kết nối với các nước láng giềng ở phía Đông để tạo đối trọng.
Theo chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Modi, Ấn Độ sẽ đầu tư mạnh vào các tuyến đường bộ và đường sắt ở biên giới phía Đông Bắc, nơi nước này có chung đường biên giới với Nepal, Bhutan, Bangladesh, Trung Quốc và Myanmar.
Kế hoạch về con đường nối Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan không phải là mới mà đã có từ năm 2001. Tuy nhiên, giờ đây, New Delhi tính sẽ kéo dài con đường này sang Campuchia, Lào và Việt Nam, nhằm rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực sông Mekong sang Ấn Độ bằng giao thông đường thủy. Đây là một nỗ lực nhằm tạo sự gắn kết gần gũi hơn với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tuyến đường trên sẽ được cấp vốn bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) theo chương trình Hợp tác Kinh tế tiểu vùng Nam Á (SASEC). Với sự tham gia của Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Myanmar, Nepal và Sri Lanka, chương trình này đã nâng gấp đôi mức vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ năm 2011 từ mức 3,5 tỷ USD trong thập kỷ trước đó.
Chính phủ Trung Quốc luôn nói rằng sáng kiến con đường tơ lụa của họ nhằm mục đích tăng cường kết nối khu vực, mang lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia láng giềng. Bắc Kinh cũng hối thúc New Delhi thôi “hiểu lầm và nghi ngờ” về kế hoạch này.
Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” do ông Tập Cận Bình chủ trì ở Bắc Kinh hồi tháng 5 vừa rồi, Ấn Độ đã chọn không tham gia. Ba tháng sáu, giữa hai nước đã xảy ra mâu thuẫn căng thẳng xung quanh tranh chấp lãnh thổ ở khu vực ngã ba giữa Bhutan, vùng Tây Tạng của Trung Quốc và Sikkim của Ấn Độ.
Đường bộ, những cây cầu và đường sắt từ lâu là một mắt xích yếu kém trong hệ thống hạ tầng ở các bang thuộc vùng Đông Bắc của Ấn Độ. Việc đường xá kém phát triển thậm chí là một chiến lược của New Delhi nhằm khiến quân đội Trung Quốc không thể tiến sâu vào khu vực này trong trường hợp Bắc Kinh lặp lại cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 4 tuần hồi năm 1962 và tiến quân vào lãnh thổ Ấn Độ.
Mặc dù vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Ấn Độ khó tiếp cận được với các thị trường ở khu vực Đông Nam Á. Từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Modi đã đẩy nhanh các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đã có từ nhiều thập kỷ trước ở vùng này, chẳng hạn xây một cây cầu dài 9,2 km nối hai bờ sông Brahmaputra.
“Để gia tăng ảnh hưởng, Ấn Độ cần có hành động, nếu không họ sẽ bị tụt hậu”, ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc IHS Market ở Singapore, nhận xét. “Nếu Ấn Độ muốn trở thành một phần của động lực tăng trưởng ở châu Á, họ cần phát triển các mắt xích hạ tầng. Đó là lý do vì sao dự án này là một bước đầu tiên rất quan trọng”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét