Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Nước Mỹ ngày nay vẫn còn tồn tại những bộ lạc da đỏ và Seminole Tribe là một trong số đó. Bộ lạc chỉ với 4.100 người này sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như tất cả người trưởng thành ở đây đều là triệu phú khi vừa mới bước sang tuổi 18. 

Chân dung cựu quản lý của TT Donald Trump - Người giúp tất cả thành viên bộ lạc da đỏ Mỹ muốn xây casino ở Việt Nam thành triệu phú
Nhà quản lý tài ba Jim Allen.
Ít ai biết được rằng bộ lạc Seminole là chủ nhân của chuỗi nhà hàng, khách sạn Hard Rock và của nhiều casino khác. Hiện bộ lạc này đang có khoảng 168 chi nhánh nhà hàng cà phê, 23 khách sạn, 11 casino và 25 chi nhánh khách sạn thương hiệu Hard Rock nữa đang hoạt động tại 71 quốc gia với tổng doanh thu hàng năm đạt 5 tỷ USD và lợi nhuận thu về khoảng 1,5 tỷ USD. Tổng tài sản của bộ tộc này hiện nay ước tính vào khoảng 18 tỷ USD.
Nói cách khác, mỗi thành viên của bộ lạc Seminole dù không làm gì thì mỗi năm vẫn thu về khoảng 370.000 USD và đều trở thành triệu phú ngay khi bước qua tuổi 18. Sau khi trừ đi các khoản đóng góp và phí, mỗi người dân của bộ tộc này, bất kể già trẻ lớn bé đều sẽ được chia 128.000 USD mỗi năm. Riêng những đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi thì số tiền này được lưu lại cho đến khi chúng trưởng thành.
Một điều thú vị nữa là ông Jim Allen (James Francis Allen), đồng thời là chủ tịch điều hành bộ phận casino của bộ tộc Seminole lại không phải là người trong tộc. 
Kể từ khi bộ luật tái định cư người da đỏ (IRA) được ban hành vào năm 1934, rất nhiều chương trình xã hội đã được xây dựng nhằm hỗ trợ các bộ lạc và chuyện những người không phải da đỏ nhưng làm việc trong các tổ chức này là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, việc một người ngoại lai như ông Allen được làm quản lý mảng kinh doanh quan trọng nhất của bộ lạc cũng như toàn bộ tài sản của bộ tộc Seminole là điều khá bất ngờ tại Mỹ khi vị doanh nhân này không hề tập trung duy trì sự tồn tại cũng như văn hóa của dân tộc này mà hoàn toàn bị thu hút bởi yếu tố kinh tế và lợi nhuận.
Chân dung cựu quản lý của TT Donald Trump - Người giúp tất cả thành viên bộ lạc da đỏ Mỹ muốn xây casino ở Việt Nam thành triệu phú - Ảnh 1.
Khởi nguyên của sự giàu có
Trước khi tài năng Jim Allen được tỏa sáng tại bộ tộc Seminole, công thần đầu tiên xây dựng nên đế chế casino cho người da đỏ phải kể đến James Billie. Vị tộc trưởng lâu năm này chính là người khơi mào cho đế chế casino 33 tỷ USD của những người da đỏ.
Sinh năm 1944 tại bang Florida, người đàn ông mang trong mình dòng máu da đỏ này đã quá quen với lối mưu sinh phụ thuộc vào ngành du lịch khi những du khách muốn khám phá văn hóa bộ lạc da đỏ. Tuy nhiên khi tham chiến và trở về như một người hùng sau chiến tranh, ông Billie được bầu làm tộc trưởng năm 1979.
Trong những ngày đầu nhậm chức, một số người đã đề xuất kế hoạch kinh doanh sòng bạc, thứ có thể đem về cho bộ tộc 3 triệu USD chỉ trong vòng 6 tháng hoạt động và điều này khiến ông Billie hứng thú.
Ngay lập tức, những khu vực hoang vu đầy chim và những người da đỏ nghèo bị dùng để xây dựng thành khu vui chơi đánh bạc. Tuy nhiên đề án tìm kiếm thu nhập và giải quyết đói nghèo từ casino này của bộ tộc Seminole vấp phải cản trở khi đánh bạc là bất hợp pháp tại Bang Florida. Cảnh sát trưởng của bang này đe dọa sẽ dỡ bỏ khu casino của bộ tộc.
Dẫu vậy, thay vì sợ hãi và tìm kiếm một hướng kinh doanh khác, ông Billie kiên quyết kiện vấn đề này ra tòa án và giành được quyền sử dụng khu đất vào năm 1981, qua đó gây tiếng vang lớn trong cộng đồng người da đỏ.
Đến năm 1988, Nghị viện Mỹ thông qua bộ luật đặc cách cho phép người da đỏ kinh doanh casino và hiện 234 bộ lạc da đỏ trên đất Mỹ đang kinh doanh ngành cờ bạc trị giá 33 tỷ USD này, tất cả là nhờ khởi điểm từ James Billie.
Có một điều lạ là vị tộc trưởng này hiếm khi uống rượu cũng như không thích cờ bạc. Triết lý của ông cũng khác khác so với truyền thống văn hóa hào phóng của bộ tộc da đỏ. Theo ông Billie, cầu xin sự tha thứ thường dễ dàng hơn là đề nghị một lời cho phép, vì vậy nên hành động khi thời điểm đến và xin lỗi sau.
Chân dung cựu quản lý của TT Donald Trump - Người giúp tất cả thành viên bộ lạc da đỏ Mỹ muốn xây casino ở Việt Nam thành triệu phú - Ảnh 2.
Tộc trưởng James Billie
Năm 1980, ông Billie muốn xây một bãi đậu xe trên khu vực nghĩa trang của bộ tộc Seminole và vấp phải nhiều phản đối. Tuy vậy, vị tộc trưởng này cam kết sẽ di dời nghĩa trang sang một khu vực khác, nhưng không nhiều người biết rằng ông Billie cũng định xây một khu casino mới tại vùng này.
Với quan điểm làm việc khác với văn hóa của người da đỏ như vậy, ông Billie đã nhiều lần bị kêu gọi từ chức tộc trưởng cũng như bị bãi miễn khỏi vị trí lãnh đạo. Năm 2001, ông bị miễn chức do cáo buộc liên quan đến gian lận tài chính và chỉ được bầu lại vào năm 2011 cho đến hiện nay.
Nhà quản lý tài ba
Quay trở lại với câu chuyện của Jim Allen, ông vốn sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó tại Mỹ và đã từng làm rất nhiều nghề để mưu sinh và không được học hành nhiều. Năm 1985, ông vào làm quản lý cho khách sạn Hilton sau một loạt thành tựu quản lý đáng nể, đi lên từ mảng nấu nướng.
Khi tỷ phú Donald Trump mua lại khách sạn này, tài năng của ông được ông trùm bất động sản này công nhận và thuyết phục ở lại quản lý khách sạn cho ông đến năm 1993. Tiếp đó Allen được Trump tín nhiệm giao trọng trách quản lý một số casino.
Năm 2001, Seminole thuê Allen làm quản lý mảng casino của mình nhằm thúc đẩy lợi nhuận. Dưới sự quản lý tài tình của nhà lãnh đạo tài ba này, lợi nhuận bình quân hàng năm mỗi người của bộ tộc Seminole nhận được đã tăng từ 30.000 USD/năm lên 128.000 USD/năm.
Chính ông cũng là người đề nghị Seminole mua đứt chuỗi thương hiệu khách sạn Hard Rock International đồng thời chi mạnh tay phát triển cho mảng khách sạn, nhà hàng, quán cà phê... qua đó song hành thúc đẩy sự phát triển của casino.
Hợp đồng với bộ tộc Seminole của ông Allen sẽ chấm dứt vào năm 2018 nhưng chắc chắn nó sẽ được ký tiếp khi nhờ sự quản lý tài ba của người đàn ông này mà người dân trong bộ tộc được hưởng nhiều lợi ích hơn.
Tuy nhiên, mặc dù ông Allen đã đem lại rất nhiều lợi nhuận cho bộ tộc Seminole nhưng từ đây những vấn đề mới lại nảy sinh.
Do quá giàu nên thế hệ trẻ của bộ tộc này bắt đầu sa đọa vào những tệ nạn như ma túy hay rượu, hoặc những thú vui xa xỉ như xe cộ mà quên đi bản sắc văn hóa truyền thống của họ. Tỷ lệ tốt nghiệp cấp 3 của người trưởng thành trong bộ tộc cũng đi xuống khi tất cả thanh thiếu niên đều nhận được khoản trợ cấp khổng lồ hàng năm.
Tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ cho đến năm 2012 khi tộc trưởng Billie quyết định hoãn trợ cấp cho trẻ vị thành niên cho đến khi họ bước sang tuổi 18 nhằm đảm bảo lớp trẻ của bộ tộc được hưởng chế độ giáo dục đúng đắn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét