Cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý và thu phí cao, nhiều tài xế đã phản đối bằng cách dùng tiền lẻ từ mệnh giá từ 200 đồng đến 1.000 đồng, bỏ vào chai nhựa, túi ni lông để mua vé khi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí
Những ngày qua, tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (nằm trên đường quốc 1A tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy), nhiều tài xế đã lên tiếng phản đối việc đặt trạm thu phí đường bộ đặt không đúng vị trí và mức phí cao so với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy - Tiền Giang
Một tài xế bức xúc: “Trạm thu phí phải đặt ở đường tránh TX Cai Lậy mới đúng, chứ không phải đặt trên quốc lộ 1. Bởi chúng tôi không sử dụng đường tránh nhưng phải đóng phí là không chấp nhận được”.
Ngoài việc đóng phí, các tài xế cũng bức xúc khi phải đóng thêm phí bảo trì đường bộ trên đường quốc lộ 1 mà họ cho rằng phí này đã đóng hằng năm.
Để phản đối nhà đầu tư, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ từ 200 đồng đến 1000 đồng, gấp tiền thành xếp nhỏ, cho vào chai nhựa để kéo dài thời gian đóng phí, gây ùn tắc giao thông qua điểm này. Thậm chí, nhiều tài xế còn làm ướt tiền để “câu giờ” đếm tiền, tăng thêm nguy cơ ùn tắc.
Một tài xế dùng tiền lẻ mua vé khi đi qua trạm thu phí
Theo một nhân viên của BOT Cai Lậy, từ ngày 1/8 đến nay, có khoảng hơn 10 trường hợp đã dùng tiền lẻ để mua vé khi qua trạm. Mỗi lượt, nhân viên phải mất chừng 10 – 15 phút giải quyết xong.
Ngoài việc dùng tiền lẻ phản đối, các tài xế “né tránh” trạm thu phí BOT Cai Lậy còn cho xe chạy qua các tuyến đường huyện như 63, 67 thuộc huyện Cai Lậy, bất chấp vượt quá giới hạn trọng tải của tuyến đường.
Nhà đầu tư nói gì?
Trạm thu phí BOT Cai Lậy được đưa vào hoạt động từ 1/8, có thời gian thu phí 6 năm 5 tháng, với nhiều mức phí dao động từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy từng loại xe. Tuy nhiên, khi trạm thu phí này đưa vào hoạt động gặp phải những phản đối gay gắt trên.
Ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - cho biết: Trạm thu phí này gồm có 2 dự án: Một tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy từ xã Mỹ Quý (thị xã Cai Lậy) đến xã Mỹ Đức Đông của huyện Cái Bè và phần bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 đoạn đi huyện Cai Lậy được khởi công từ năm 2014.
Một tài xế đang đợi các tài xế phía trước mua vé qua trạm bằng tiền lẻ
Cụ thể, về tuyến tránh được đầu tư mới có chiều dài 12km, xây dựng mới 7 cây cầu với tổng vốn khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.
Còn phần bảo trì, tăng cường quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy có chiều dài 26,5km và nâng cấp 14 cây cầu trên đoạn đường này với vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng.
Ông Hiệp cũng khẳng định, mức thu phí qua trạm thu phí Cai Lậy đã được Bộ GTVT và Bộ Tài chính thống nhất ban hành, chứ không phải do nhà đầu tư BOT đặt ra.
Vị trí nơi đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy
Còn đối với những trường hợp dùng tiền lẻ, bỏ vào chai nhựa hoặc túi ni lông khi mua vé qua trạm, ông Hiệp cho biết: “Đối với những trường hợp này, chúng tôi cho các nhân viên nhận tiền lẻ trong chai nhưng không đếm tại quầy mà mời tài xế tấp vào lề đường gần trạm để đảm bảo cho giao thông thông suốt. Sau đó, nhân viên dùng dao cắt chai rồi đếm tiền”.
Nhà đầu tư BOT Cai Lậy cũng có văn bản gửi chính quyền và ngành chức năng tỉnh Tiền Giang về hiện tượng một số tài xế cố tình dùng tiền lẻ trả phí khi đi qua trạm, gây ách tắc giao thông và tuyên truyền vận động các tài xế không đi qua các tuyến huyện lộ trên để né trạm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét